Trong bài công bố mới đây trên tạp chí khoa học Nature, nhóm khoa học gia gần 50 người chuyên nghiên cứu chớp sóng vô tuyến của CHIME cho biết họ nghi ngờ rằng chớp sóng vô tuyến "bùng nổ" nói trên phải phát ra từ một vật thể có từ trường cực mạnh và gần hơn nhiều so với các vật thể phát ra tín hiệu vô tuyến và Trái Đất từng bắt được trước đây.
Chớp sóng vô tuyến – FRB – là cụm từ chỉ dạng tín hiệu vô tuyến cực kỳ nhanh, mạnh mẽ và bí ẩn. Rất nhiều giả thuyết bao trùm những chớp sóng vô tuyến mà các đài thiên văn khắp Trái Đất ghi nhận được: từ vụ sáp nhập lỗ đen, từ sao neutron… và cũng có thể từ một nền văn minh ngoài hành tinh.
Theo tiến sĩ Pragya Chawla, thành viên nhóm nghiên cứu, người đang đồng thời công tác đại Đại học Mc Gill (Canada), tín hiệu lần này như một vụ nổ dữ dội, cho thấy nó không thể đến từ một thiên hà khác như hầu hết chớp sóng vô tuyến trước đây. Nó phải ở trong cùng thiên hà Milky Way với Trái Đất, thậm chí từ một khoảng cách khá gần.
Giả thuyết có vẻ hợp lý nhất vẫn là tín hiệu được gửi đến Trái Đất bởi sao neutron, là dạng vật thể từ tính cực đoan bậc nhất vũ trụ. Một ngôi sao lớn khi qua đời sẽ sụp đổ thành sao lùn trắng nhỏ cỡ Trái Đất và cực giàu năng lượng, sau đó sao lùn trắng tiếp tục "chết" lần 2 trong một vụ nổ siêu tân tinh và co cụm thành sao neutron, rất nhỏ nhưng sở hữu từ trường cực mạnh. Nếu 2 sau neutron va vào nhau, năng lượng từ tính giải phóng từ vụ nổ sẽ rất khủng khiếp, đủ để thành dạng tín hiệu mà những hành tinh có nền văn minh như Trái Đất bắt được dù không ở cùng thiên hà.
Tuy nhiên theo Tiến sĩ Paul Scholz từ Viện Thiên văn và Vật lý thiên văn Dunlap tại Đại học Toronto (Canada), một đồng tác giả, có điểm bất hợp lý là các biến động từ tính từng được biết đến trong Milky Way thường có cường độ thấp hơn nhiều so với các chớp sóng vô tuyến từ ngoài thiên hà. Do vậy, cần xem xét một nguồn mang từ trường trẻ trung hơn, mạnh mẽ hơn và hoạt động tích cực hơn các dạng vật thể đã biết.