Thập kỷ vừa qua đã chứng kiến sự độc quyền về quảng cáo trực tuyến giữa 2 ông lớn công nghệ là Google và Facebook. Đây là điều tương đối dễ hiểu, vì với số lượng hàng tỷ người dùng của mình, họ hoàn toàn có cơ sở dữ liệu để hiện thực hóa tham vọng bành trướng này.
Facebook và Google từ lâu đã chia nhau miếng bánh quảng cáo trực tuyến
Nhưng bước sang thập kỷ 2020, đã xuất hiện một kẻ ngáng đường, đó không ai khác chính là Apple, với những chính sách khắt khe về quyền riêng tư, nhắm thẳng vào các hoạt động thu nhập dữ liệu từ người dùng, đặc biệt là từ 2 đối thủ Google và Facebook. Động thái từ công ty nghìn tỷ đô nhanh chóng nhận được những phản hồi vô cùng tiêu cực từ công cụ tìm kiếm và mạng xã hội lớn nhất thế giới.
Nhưng Tim Cook biết mình là ai và cả đối thủ của ông cũng biết, Timothy sẽ sẵn sàng gỡ bỏ toàn bộ các ứng dụng của họ khỏi chợ ứng dụng App Store. Do đó, cả Google lẫn Facebook đã lập tức phải nhún nhường.
Nhưng Tim Cook nói: "Không nhanh thế đâu"
Tất cả chúng ta tưởng chừng như đã có thể thở phào nhẹ nhõm vì giờ đây, nếu người dùng không cho phép, cả Google lẫn Facebook sẽ không thể nào thực hiện các chiêu trò thu thập dữ liệu trái phép được nữa.
Ấy là cho đến khi Google bị phát hiện đang thử nghiệm một thuật toán theo dõi hoàn toàn mới, tưởng chừng như bảo mật hơn, nhưng thực tế lại đặt ra thêm nhiều câu hỏi về cả quyền riêng tư của người dùng, lẫn tham vọng tiếp tục duy trì thế độc quyền của gã khổng lồ tìm kiếm này.
Một công cụ theo dõi tinh vi hơn đang được Google "thai nghén"
Từ trước đến nay, mọi hoạt động của người dùng trên các nền tảng dịch vụ của Google đều được công ty tỷ đô này theo dõi một cách sát sao. Còn nếu chúng ta truy cập vào một trang web của bên thứ 3, những website này phải nhúng một thứ, gọi là cookie vào nền tảng của họ để có thể thu nhập những hoạt động của người dùng.
Nhưng đừng quá lo lắng, đôi lúc cookie chỉ theo dõi những thói quen sử dụng của chúng ta để điều chỉnh việc gợi ý những nội dung mà người dùng quan tâm, đặc biệt là các nền tảng báo chí điện tử. Nhưng trong động thái mới đây của mình, Google đã tiến hành chặn cookie trên trình duyệt Chrome với lý do bảo mật. Điểm đáng nói, gã khổng lồ tìm kiếm làm việc này trong âm thầm.
Cookie vốn là phương thức theo dõi hoạt động khá quen thuộc
Tuy đây được xem là hành động "đá bay chén cơm" của các đối tác, nhưng đừng suy nghĩ đơn giản như vậy, Google đã vạch ra sẵn một kế hoạch vô cùng kỹ lưỡng, một mặt xoa dịu người dùng về vấn đề theo dõi dữ liệu cá nhân, mặt khác lại xây dựng một thuật toán mới, giúp công ty quản lý các thông tin thu nhập được một cách tập trung, đồng thời giúp các khách hàng có thể truy vấn chúng hiệu quả hơn rất nhiều.
Trong một bài đăng được đăng tải vào ngày 9/4 vừa qua, công ty truy vấn dữ liệu Internet độc lập DuckDuckGo đã thẳng thừng chỉ trích: "Google đang thử nghiệm một phương thức theo dõi mới, có tên là FLoC, tích hợp và kích hoạt nó trên trình duyệt Chrome, tất nhiên là vô cùng lặng lẽ".
Bài Tweet của DuckDuckGo "tố" Google thử nghiệm FLoC một cách âm thầm mà không thông báo với người dùng
FLoC là một phương thức theo dõi, thu thập và phân loại dữ liệu người dùng hoàn toàn mới, với phương thức này, Google Chrome sẽ trực tiếp theo dõi hoạt động trên Internet của khách hàng.
Theo DuckDuckGo, trình duyệt này sẽ theo dõi các hoạt động của người dùng theo thói quen sử dụng và các website thường xuyên truy cập, tiếp theo, định danh bạn bằng địa chỉ IP và gom tất cả những người dùng có những đặc điểm tương đồng vào các nhóm đối tượng. Tất nhiên là cuối cùng cũng sẽ đem bán những dữ liệu này cho các website quảng cáo. Câu chuyện vẫn y chang như cũ, nhưng thay vì những thông tin rải rác trên các trang web khác nhau thông qua cookie, Google gom tất cả "trứng" vào một rổ và bán cho khách hàng của mình.
Giải pháp bảo mật hơn hay một cuộc "cách mạng" theo dõi kiểu mới?
Theo EFF - Electronic Frontier Foundation hay Quỹ bảo vệ quyền tự do dân sự trên Internet tại Mỹ, FLoC đang tạo điều kiện cho chính bản thân Google và các nhà quảng cáo một công cụ dễ dàng hơn để tiếp cận tập người dùng tiềm năng.
FLoC được Google quảng cáo là một phương pháp thu nhập dữ liệu bảo mật hơn
"Tuy nhiên, sẽ thế nào khi bạn biết mình đã bị đưa vào một danh sách cùng hàng chục triệu người khác, kèm theo đó là các dữ liệu cá nhân đã được dán nhãn, phân loại và sẵn sàng được sử dụng? Đó là còn chưa kể đến các mối nguy đến từ tin tặc, việc FLoC được tích hợp thẳng vào trình duyệt Chrome càng làm cho nó dễ bị tấn công hơn. Sẽ thế nào nếu chúng có thể tiếp cận với cơ sở dữ liệu khổng lồ của FLoC. " - EFF bày tỏ quan ngại.
Trả lời cho những thắc mắc kể trên, Google cho biết: "FLoC là một hình thức thu thập dữ liệu bảo mật hơn so với việc sử dụng cookie từ các trang web riêng lẻ. Nó vốn được thiết kế để ngăn các website can thiệp vào hoạt động duyệt web của người dùng".
Dã tâm của gã khổng lồ tìm kiếm đằng sau FLoC
Mặc dù được hứa hẹn sẽ yêu cầu sự cho phép của người dùng, nhưng với những lùm xùm gần đây về việc theo dõi người dùng cả khi sử dụng chế độ ẩn danh, những lời hứa của Google nay đã không còn đáng tin như trước nữa.
EFF còn cho biết: "Google đã thực hiện thử nghiệm FLoC trên hàng triệu các trình duyệt web ngẫu nhiên khắp thế giới. Chúng được kích hoạt tự động và bắt đầu hoạt động đã được vài tuần". Do đó, những nghi hoặc về phương thức theo dõi tập trung này vẫn đang được tranh luận rất nhiều trên các diễn đàn công nghệ thế giới.
Cookie sẽ hoàn toàn bị Google loại bỏ khỏi Chrome vào năm 2022, thay vào đó là FLoC
Với tuyên bố sẽ loại bỏ hoàn toàn cookie khỏi trình duyệt Chrome vào năm sau, Google đang ngày càng để lộ bộ mặt thật của mình trong dã tâm thống trị ngành quảng cáo trực tuyến và trong âm mưu đó, FLoC chính là vũ khí mà Google sẽ sử dụng. Mang trong mình bổn phận là một bên trung gian, Google hiểu các khách hàng cần mình như thế nào để có thể tiếp cận hàng tỷ người dùng đang sử dụng Chrome và đó là thứ giúp Sundar Pichai cùng các đồng sự của mình tha hồ "tác oai tác quái".
Trong cuộc chiến này, Apple đang được xem như đại diện duy nhất của phe thiện, bằng các động thái thắt chặt việc theo dõi dữ liệu người dùng, buộc các nhà phát triển phần mềm phải công khai những hạng mục thông tin thu thập và buộc họ phải hỏi ý kiến người dùng để có thể truy vấn các trường dữ liệu đó. Gã khổng lồ ngàn tỷ đô này sẽ là một hòn đá tảng khổng lồ chắn đường Google đi đến với mục đích cuối cùng của họ.
"Mọi nỗ lực của Apple sẽ trở nên vô nghĩa khi họ cố xây dựng một 'khu vườn có tường bao quanh' để bảo vệ thông tin cá nhân nhưng bạn lại cài đặt Chrome vào iPhone, iPad hoặc máy tính Mac của mình. Nói cách khác, đừng để cáo vào chuồng gà", DuckDuckGo chia sẻ.
Ảnh biếm họa về việc người dùng đang sử dụng thiết bị Apple nhưng lại vô tư dùng Chrome làm trình duyệt web, Tim Cook tương đối bất lực trong trường hợp này!
Theo Forbes, Google Chrome tiến hành thu nhập dữ liệu người dùng nhiều hơn Safari, Edge và Firefox. Chrome còn là trình duyệt duy nhất trong 4 cái tên kể trên sẵn sàng thu thập những dữ liệu không liên quan đến danh tính người dùng. Đó là triết lý kinh doanh của họ.
Do đó, nếu bạn là một người đang sử dụng hệ sinh thái sản phẩm của Apple và thực sự quan tâm đến những dữ liệu hoạt động của mình có thể bị thu thập và có thể truy cập bởi bất kỳ ai ngoài kia, miễn là họ ra một cái giá phù hợp, thì tốt nhất là bạn nên gỡ ngay Chrome ra khỏi thiết bị của mình đi và sử dụng Safari hoặc Firefox để thay thế.
Nguồn: Tổng hợp