Vừa qua, một địa chỉ web với giao diện "nhái" Trang Thông tin điện tử tổng hợp 24H (thuộc Công ty Cổ phần Quảng cáo trực tuyến 24H) đã xuất hiện trên mạng Internet với nội dung liên quan việc đầu tư tiền ảo sinh lời. Đường link của site này cho thấy nó thuộc website có tên miền https://***ingmoney***.com, dùng logo và cả thanh chuyên mục tương tự giao diện hiện tại của Trang Thông tin điện tử tổng hợp 24H.
Không chỉ vậy, nội dung mà trang web giả mạo đăng tải cũng nhằm lừa đảo người dùng. Đây là hình thức lừa đảo liên tục được các cơ quan chức năng tại Việt Nam và thế giới khuyến cáo trong thời gian qua. Có không ít người dùng Internet vì "nhẹ dạ, cả tin" đã nộp tiền cho các dịch vụ đầu tư tương tự chiêu trò mà trang giả mạo kêu gọi, và tất nhiên nạn nhân sẽ rơi vào cảnh "tiền mất, tật mang".
"Bạn không phải làm gì cả - chỉ cần gửi số tiền tối thiểu, đợi cuộc gọi từ nhà điều hành nền tảng để đăng ký và chương trình sẽ lo việc kiếm tiền", lời kêu gọi đầu tư của trang web giả mạo. Thậm chí, kẻ gian còn tuyên bố những con số hết sức phi lý: Không cần làm gì, chỉ cần đầu tư 6 triệu đồng sẽ lời hơn 1,5 triệu đồng chỉ sau 20 phút, và có thể kiếm được 300 - 350 triệu đồng sau 4 tuần?!
Trên thực tế, Trang Thông tin điện tử tổng hợp 24H chỉ có hai tên miền tại 24h.vn và 24h.com.vn. Do đó, bất kỳ trang web nào khác có giao diện tương tự, hoàn toàn không liên quan Trang Thông tin điện tử tổng hợp 24H. Người dùng Internet cần hết sức thận trọng khi truy cập và đọc các nội dung trên các trang web giả mạo.
Tra cứu thông tin liên quan tên miền có trang web giả mạo, có thể thấy kẻ gian đã mua tên miền thông qua một công ty có trụ sở tại Mỹ, khởi tạo từ ngày 1/6/2023 với có thời hạn 2 năm.
Phân tích trang web giả mạo nói trên, ông Ngô Trần Vũ - Giám đốc Công ty bảo mật NTS nhận định: "Đây là một dạng sao chép giao diện của một trang tin tức uy tín để tăng độ thu hút người xem. Thông thường, những người xem ít khi kiểm tra tên miền có trùng khớp với nội dung hay không, và dễ dàng tin vào trang web giả. Khi xem tiếp sẽ dẫn đến các liên kết bán hàng. Dạng web này cũng spam liên kết qua các bình luận Facebook, Zalo,… để thu hút người xem".
Theo ông Vũ, đây là một dạng web nguy hiểm, vì kẻ gian thiết kế web có dụng ý thu hút người xem cho mục đích bán hàng hoặc lừa đảo dựa vào tin tức đang nóng nhất. Khi người dùng vào trang web, không loại trừ khả năng sẽ bị tiêm nhiễm virus hoặc bị theo dõi để tiếp tục tiếp thị cho các hoạt động khác.
"Người dùng internet nên chủ động dùng phần mềm diệt virus để chặn các virus lây nhiễm qua trang web. Ngoài ra, người dùng nên kiểm tra tên miền trước khi vào xem để phát hiện phòng tránh những trang web lừa đảo", ông Vũ khuyến cáo.
Liên quan tới sự việc này, ông Huỳnh Ngọc Duy - Giám đốc Công ty Mắt Bão chuyên cung cấp dịch vụ tên miền và hosting khuyến nghị: Khi bị bên thứ ba giả mạo thông qua "nhái" trang web, công ty chủ quản có thể dùng các công cụ tra cứu thông tin website (Whois) để kiểm tra tên miền của kẻ gian đăng ký ở đâu, qua dịch vụ nào. Sau đó, gửi email cho đơn vị cung cấp tên miền kia để đề nghị đóng dịch vụ.
"Tất nhiên, trong email mình phải chứng minh hành động vi phạm của bên thứ ba, thông qua các giấy tờ, pháp lý mà mình có. Lưu ý là hãy dùng email có "đuôi" website của mình, và nên là bộ phận pháp lý gửi đi", ông Duy nói và khuyến nghị các bên là nạn nhân của tình trạng giả mạo website cũng nên trình báo với Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05, Bộ Công an) để nhờ hỗ trợ, phối hợp xử lý.