Chuyên gia rò rỉ Majin Bu (@MajinBuOfficial) đã đăng một hình ảnh kèm bình luận: “Seal của iPhone 15 đã được làm giả ở Trung Quốc. Khi đặt mua iPhone 15 series trực tuyến, hãy nhớ kiểm tra các thông tin cần thiết để đảm bảo mọi thứ đều ổn”.
Thông thường, người tiêu dùng khi mua iPhone mới như iPhone 15 series sẽ đặt niềm tin vào việc mua sắm nhờ vào seal hộp chưa được bóc. Seal chính là một nhãn dán nhằm đảm bảo hộp đựng iPhone đó được vận chuyển trực tiếp từ Apple mà chưa được tháo ra, giúp người dùng yên tâm mua được sản phẩm chính hãng.
Vấn đề là, những kẻ gian từ Trung Quốc đã tạo ra được những seal giả mạo để gắn vào những chiếc hộp đựng iPhone 15 series nhằm đánh lừa người dùng. Đó có thể là cách để các cửa hàng hô biến iPhone 15 đã từng bị khui hộp, chẳng hạn iPhone xách tay từ nước ngoài về, vốn buộc phải tháo hộp để kiểm tra bởi hải quan hoặc thậm chí là iPhone nhập lậu. Ngoài ra, đối với những kẻ lừa đảo, chúng thậm chí không cung cấp iPhone 15 mà chỉ đơn giản là đặt một iPhone nhái hoặc thậm chí là một “cục gạch” để đánh lừa nạn nhân.
Chính vì vậy, thông tin được đăng tải bởi Majin Bu nhận được nhiều sự quan tâm. Chuyên gia rò rỉ này cũng đi kèm bài đăng hình ảnh seal giả được nhận biết bằng tia UV sau khi quét hình ảnh ba chiều. Đèn chiếu UV là cách được khuyến cáo sử dụng nếu người dùng mua iPhone 15 “nguyên seal” từ một nguồn lạ trên internet.
Được biết, Apple đã loại bỏ cách đóng gói truyền thống kể từ iPhone 13 và giới thiệu một kiểu đóng gói dựa vào seal mới. Sau đó, công ty đã tạo ra một kiểu seal khác trên iPhone 14 để giúp người dùng dễ dàng hơn trong việc nhận biết trạng thái hộp đựng chưa được mở ra.
Về cơ bản, seal của iPhone 15 tương tự với của iPhone 14 khi chất liệu của seal đã được thay đổi và độ bám dính đã được tăng cường so với seal của iPhone 13. Đặc biệt, Apple thêm cơ chế quét tia UV lên seal nhằm giúp người dùng nhận biết hộp thật nhằm giúp người dùng tránh bị lừa đảo. Khi chiếu đèn UV, seal iPhone 15 hàng thật sẽ hiện logo của hãng và một mã QR đặc biệt. Nhưng mã này không chứa thông tin đồng bộ với thiết bị như IMEI hay số serial nên chưa giúp tối đa hóa hiệu quả chống hàng giả.