Chuyên gia: Đừng tiếc tiền đầu tư cho AI, xây dựng các tòa nhà "xanh"

Chi phí đầu tư ban đầu cho một tòa nhà xanh cao hơn khoảng 4 - 6% so với tòa nhà thông thường, nhưng... có giá trị của nó.

Hiện nay, sử dụng năng lượng hiệu quả và tiết kiệm để bảo vệ môi trường, giảm thiểu phát thải khí nhà kính và đảm bảo an ninh năng lượng đã trở thành xu hướng đang được các quốc gia trên toàn thế giới thúc đẩy thực hiện. Tại Việt Nam, sử dụng năng lượng hiệu quả và tiết kiệm đã được luật hóa và là một chương trình quốc gia được các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân hưởng ứng.

Trong một cuộc phỏng vấn mới đây, ông Đồng Mai Lâm - Tổng Giám Đốc Schneider Electric Việt Nam và Campuchia đã chia sẻ góc nhìn và một số thông tin thú vị liên quan tới lĩnh vực này ở cả Việt Nam và trên thế giới.

Theo ông Lâm, chúng ta có quyền lạc quan khi nói rằng những năm vừa qua, các nước trên thế giới đã có nhiều bước tiến quan trọng về chính sách, hỗ trợ tài chính và công nghệ, từ đó thúc đẩy và rút ngắn khoảng cách xanh (Green Gap) và biến tham vọng thành hành động của các doanh nghiệp trong việc thực hiện cam kết Net Zero, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng.

Trong bài phỏng vấn, ông Lâm có nhắc tới trí tuệ nhân tạo (AI). Ông cho rằng, công nghệ nói chung và AI nói riêng đã có những đóng góp quan trọng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp quản lý năng lượng và nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty trở nên xanh, bền vững hơn. Tuy nhiên, mối lo ngại về chi phí khi đầu tư vào sản xuất kinh doanh “xanh” vẫn đang là một rào cản lớn với nhiều doanh nghiệp.

Dù vậy, Tổng Giám Đốc Schneider Electric Việt Nam và Campuchia lưu ý rằng, đối với các tòa nhà văn phòng hiện hữu, nếu đầu tư cải tạo hệ thống quản lý tòa nhà, quản lý năng lượng, pin mặt trời, theo tính toán thời gian hoàn vốn từ tiết kiệm chi phí vận hành khoảng 10 năm. Ở đây chưa tính đến các giá trị như giá cho thuê tăng lên, giá trị thương hiệu, giá trị bất động sản tăng thêm.

"Với các tòa nhà xây mới, chi phí đầu tư ban đầu cho một tòa nhà xanh cao hơn khoảng 4 - 6% so với tòa nhà thông thường. Mức này có thể giảm xuống dưới 4% vào năm 2030 khi công nghệ phát triển hơn. Đây là một mức hoàn toàn có thể chấp nhận được so với giá trị mang lại của một tòa nhà xanh", ông Đồng Mai Lâm nhận định.

Chẳng hạn, khi người dùng xe điện sạc xe tại nhà hay các tòa cao ốc, họ sẽ giảm được từ 20 - 25% chi phí, chủ động được khoảng thời gian chạy xe cũng như ứng dụng các công nghệ về năng lượng tái tạo để sạc xe điện.

"Những người sử dụng xe điện có nhu cầu sạc khi dừng chứ không phải dừng để sạc. Với sự phát triển của công nghệ, tầm hoạt động của xe điện ngày càng xa hơn vì thế nhu cầu dừng lại để sạc xe điện càng ngày càng nhỏ đi. Đặc biệt, nhu cầu về sự thuận tiện là rất quan trọng", ông Lâm nhắc tới một tiện ích thấy rõ của tòa nhà xanh.

Dẫn báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) công bố ngày 26/4 vừa qua, ông Lâm cho biết: Doanh số bán xe điện (EV) đang tăng mạnh và dự kiến sẽ chiếm gần 20% số xe bán ra trong năm 2023. Trong báo cáo thường niên về EV, IEA dự kiến doanh số bán hàng hằng năm sẽ tăng 35% trong năm nay, đạt 14 triệu xe và thị phần EV sẽ ở mức 18%, tăng từ mức 4% trong năm 2020.

"Doanh số xe điện tăng đồng nghĩa với việc nhu cầu về trạm sạc cũng tăng theo. Tuy nhiên, thách thức là cơ sở hạ tầng trạm sạc vẫn chưa đủ phát triển và công nghệ liên quan vẫn còn hạn chế. Điều này đặt ra một nhiệm vụ lớn cho ngành công nghiệp để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người dùng xe điện.

Với hệ sinh thái của mình, các giải pháp của Schneider Electric mang đến khả năng kết nối giữa công nghệ thông minh và số hoá để giúp cho khách hàng sạc xe điện dễ dàng hơn, an toàn hơn, linh hoạt hơn cũng như tiết kiệm chi phí hơn, sử dụng năng lượng một cách có hiệu quả", ông chia sẻ.