Lao động Việt được trả lương bằng tài sản ảo
Phát biểu dưới góc nhìn cá nhân tại phiên thảo luận “Góp ý xây dựng khung pháp lý cho tài sản ảo, nhà cung cấp tài sản ảo” ngày 24/4, ông Đỗ Việt Cường, Chánh thanh tra Giám sát Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Thừa Thiên Huế cho biết, theo thời gian, mức độ quan tâm đến hoạt động động phòng chống rửa tiền trên tài sản ảo đã tăng lên. Từ việc phòng chống rửa tiền, sau đó mở rộng thêm phòng chống tài trợ cho khủng bố, rồi đến chống phổ biến vũ khí, hủy diệt.
Theo ông Cường, khi có tài sản ảo (VA) thì đương nhiên sẽ có những nhà cung cấp dịch vụ này (VASP). Tuy nhiên, ở rất nhiều quốc gia nhỏ, nhất là các quốc gia nằm trong Danh sách Xám của FATF (Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền) như Việt Nam, hành lang pháp lý về tài sản ảo còn rất manh nha và chưa tiệm cận với quốc tế.
Trong khi đó, ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) chỉ ra, theo khảo sát của Hội đồng Đại Tây Dương trên 60 quốc gia, có 32/60 quốc gia coi tài sản ảo và nhà cung cấp tài sản ảo là dịch vụ tài sản ảo là hợp pháp; 19 quốc gia cấm một phần và 8 quốc gia cấm toàn bộ. Tổ chức này phân chia khung pháp lý cho VA, VASP gồm 4 yếu tố cơ bản: Thuế; chống tài trợ rửa tiền (chống tài trợ khủng bố); bảo vệ người tiêu dùng; cấp phép.
Còn theo số liệu thống kê mới đây của Crypto Crunch App, Việt Nam đứng thứ ba thế giới về giao dịch tiền số (sau Ấn Độ và Mỹ), với gần 26 triệu người sở hữu tiền ảo.
Đáng chú ý, Phó Chủ tịch thường trực VBA chia sẻ, hiện nay nhiều lao động Việt làm cho các tổ chức quốc tế đang được trả lương bằng tài sản ảo.
Cụ thể, theo số liệu của Triple-A (Singapore) về thị trường lao động freelancer Việt Nam (Lao động hoạt động tự do), thì có tới 85% trong số này sở hữu tài sản ảo, 35% chấp nhận thanh toán bằng tài sản ảo. 57% lực lượng lao động sử dụng tài sản ảo đang nằm trên thị trường tài chính Việt Nam. Trong khi đó, thống kê của Đại học Fulbright, nền kinh tế ngầm (nơi mà tất cả các hoạt động thương mại được tiến hành mà không có sự kiểm soát, thống kê của cơ quan nhà nước hoặc các quy định thương mại) Việt Nam năm 2018 chiếm 25-30% GDP.
Dưới góc độ của VASP, ông Lê Hoài Nam, nhà sáng lập Hold Station cho rằng, người Việt rất yêu thích công nghệ và những gì mới mẻ. Do đó, dưới góc độ một VASP, ông Nam rất mong muốn Việt Nam hợp thức hóa VA, trở thành nơi cung cấp dịch vụ và bảo vệ nhà đầu tư VA.
Bởi trên thực tế, nhiều nhà đầu tư tài sản ảo không có trình độ hiểu biết, chỉ học kiến thức trên truyền thông, mạng xã hội như YouTube, Facebook, TikTok rồi đưa ra quyết định đầu tư sai lầm. Do đó, ông Nam hi vọng pháp luật sẽ có khung pháp lý bảo vệ nhà đầu tư, bảo vệ người sử dụng tài sản ảo…
Cần hoàn thiện pháp lý về tài sản ảo
Theo quan điểm cá nhân, ông Đỗ Việt Cường, Chánh thanh tra Giám sát Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Thừa Thiên Huế bày tỏ sự đồng tình với VASP Lê Hoài Nam. Bởi lẽ, tài sản ảo không phải xu hướng nữa mà nó đang tồn tại và sẽ phát triển liên tục cùng xã hội và không chỉ ở Việt Nam mà còn trên cả toàn cầu.
Ông Cường nói thêm, việc người lao động Việt Nam làm việc cho nước ngoài và được trả bằng tài sản ảo là có. Bởi người ta không trả bằng tiền Việt mà sử dụng công nghệ. Do đó, người lao động Việt phải tìm cách nào đó để chuyển hóa tài sản ảo thành giá trị mình mong muốn phục vụ cho đời sống hàng ngày. Nhưng, việc thanh toán đó không thông qua kênh thanh toán truyền thống, kênh thanh toán do ngân hàng nhà nước quản lý mà thông qua các cách thanh toán khác nhau.
Nếu chúng ta không cẩn thận và nhanh chóng nghiên cứu chế tài để quản lý tài sản ảo, thì nhiều nhà đầu tư sẽ không được bảo vệ, trong khi đó một bộ phận xấu sẽ lợi dụng để chiếm đoạt tài sản ảo nhằm phục vụ cho mục đích xấu, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.
Cũng theo ông Cường, thực tế ở Việt Nam chưa có từ ngữ đề cập đến tài sản ảo trong luật pháp nên pháp luật không cấm, nhưng cũng đồng nghĩa với việc là tài sản ảo không được bảo vệ. Và đây hiện chính là một trong những thiếu sót trong khung pháp lý.
Bởi lẽ, hiện nay có rất nhiều người lao động trong và ngoài nước sở hữu tài sản ảo. Nếu chúng ta không cẩn thận và nhanh chóng nghiên cứu chế tài để quản lý tài sản ảo, thì nhiều nhà đầu tư sẽ không được bảo vệ. Nhìn về sâu xa, một bộ phận xấu sẽ lợi dụng để chiếm đoạt tài sản ảo nhằm phục vụ cho mục đích xấu, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia…