Tháng 9/2021, cô Parween Mander bị sa thải khỏi vị trí giám đốc quan hệ khách hàng dù đã có 4 năm rưỡi cống hiến cho một doanh nghiệp công nghệ tài chính.
Thế nhưng Mander lại chẳng hề lo lắng vì người phụ nữ xinh đẹp này đã bắt đầu nghề tay trái từ năm 2020, đó là dạy làm giàu trên mạng. Nhờ kiến thức về tài chính và kinh nghiệm trong nghề mà Mander đủ sức hướng dẫn những người nhập cư hay con cái các gia đình mới đến Mỹ đang gặp khó khăn về tiền bạc có thể quản lý tốt dòng tiền.
Chính nhờ nghề tay trái này mà khi bị sa thải, cô Mander không cảm thấy bối rối vì cho rằng đây là một cơ hội thoát khỏi vùng an toàn ban đầu. Vậy là Mander thay vì đi rải hồ sơ tìm việc thì dành toàn thời gian cho kênh dạy làm giàu và quản lý tài chính của mình trên mạng.
Cô Parween Mander
Cuối năm 2020, nghề tay trái này mới chỉ đem về 6.300 USD/năm cho Mander thì đến cuối năm 2023, con số này đã lên đến 100.000 USD/năm, tương đương 2,5 tỷ đồng.
Xin được nhắc rằng năm 2023 là năm thứ 2 cô Mander kiếm được con số đó thông qua dạy làm giàu trên mạng.
Dưới đây là 3 bí quyết mà cô Mander chia sẻ với mọi người về cách làm giàu của mình:
1. Mở rộng tệp khách hàng trực tuyến
Cô Mander hiểu rằng chương trình dạy làm giàu trực tuyến của mình cần thêm người tham gia và việc mở rộng tệp khách hàng là điều bắt buộc.
Ban đầu người phụ nữ 30 tuổi này chỉ tương tác bằng Instagram nhưng cô dần hiểu rằng mình cần làm thêm các video cũng như mở rộng sang những nền tảng thu hút giới trẻ như TikTok.
Tuy nhiên Mander không hiểu nhiều về dựng video nên cô quyết định thuê một chuyên gia về marketing, TikTok và làm clip để sản xuất tối thiểu 2 video mỗi ngày. Đến khi các video của Mander dần thu hút được sự chú ý trên TikTok thì cũng là lúc Mander đã nắm bắt được những kiến thức cơ bản về dựng clip.
Dẫu vậy người phụ nữ này vẫn thuê chuyên gia để lo quản lý marketing và tài khoản TikTok của mình nhằm mở rộng tệp khách hàng và đưa các video vào xu hướng.
Phần lớn các video của Mander chủ yếu nhằm vào cách vay tiền và sử dụng nguồn vốn khôn ngoan với những gia đình nhập cư vào Mỹ, vốn chưa có nhiều quyền lợi như công dân bản địa. Đồng thời Mander cũng có những bài diễn thuyết tạo động lực làm giàu cho người nhập cư, giúp họ cố gắng vượt qua được khó khăn khi đến Mỹ sinh sống.
Giờ đây TikTok chiếm đến 80% lượng khán giả của Mander, số còn lại đến từ Instagram, các chương trình Podcast hay những bài viết trên trang cá nhân về quản lý tài chính.
Việc tìm được tệp khách hàng ngách là người nhập cư, đầu tư vào nội dung và mở rộng tệp khách hàng đã giúp Mander xây dựng được niềm tin với người nghe, đồng thời tiếp tục thu hút những người mới.
Hiện chương trình của Mander đang thu hút khoảng 44.000 người nghe và con số này vẫn đang tăng lên từng ngày.
2. Đa dạng hóa nguồn thu nhập
Hàng tháng, Mander làm việc riêng với khoảng 15 khách hàng trong chương trình đào tạo quản lý tài chính trực tuyến kéo dài 3 tháng. Khóa học 3 tháng này đóng góp đến 75% thu nhập cho Mander.
Ngoài ra, người phụ nữ 30 tuổi này còn có 2 nguồn thu nhập đến từ bán mẫu lập ngân sách quản lý tài chính và những cuộc hội thảo về dòng tiền với doanh nghiệp.
Do có độ nổi tiếng nên Mander thi thoảng sẽ tổ chức những cuộc hội thảo hay các khóa học ngắn hạn cho nhân viên tập đoàn. Thế nhưng do doanh nghiệp không hào hứng lắm với vấn đề này nên nguồn thu từ mảng này không bền vững được như với khách hàng cá nhân.
Phần lớn động lực để Mander giữ mảng kinh doanh này là nhằm mở rộng uy tín khi được cộng tác với những thương hiệu nổi tiếng.
Thông qua những khóa học ngắn hạn với doanh nghiệp mà nhiều phụ nữ, đặc biệt là người da màu, cực kỳ quan tâm đến việc quản lý dòng tiền.
3. Hoàn thiện sản phẩm
Ban đầu, cô Mander rơi vào một sai lầm như nhiều người khởi nghiệp từng mắc phải là cố gắng làm quá nhiều việc một lúc và khởi chạy các chương trình quá nhanh chóng. Sự nóng vội này không chỉ khiến các chương trình của Mander bị ảnh hưởng về chất lượng mà còn khiến cô kiệt sức.
Năm 2022, Mander khởi động chương trình đào tạo tài chính theo nhóm khi chương trình đào tạo cá nhân 1-1 còn chưa bán hết. Điều này khiến các khách hàng, người nghe và những người theo dõi Mander cảm thấy bối rối.
Bản thân Mander khi đó cũng lâm vào tình trạng kiệt sức và làm suy giảm chất lượng khóa học.
Ảnh chỉ mang tính minh họa
Thậm chí việc không bán được hết các khóa học còn khiến Mander bị stress nặng, buộc cô phải từ bỏ chương trình đào tạo nhóm để tập trung hoàn toàn vào các khóa học cá nhân.
Quyết định này đã giúp Mander nâng cao lại chất lượng đào tạo của các khóa học.
Theo người phụ nữ 30 tuổi này, các chuyên gia tài chính hiện nay không có đủ trải nghiệm và thấu hiểu với phân khúc người nhập cư, những bà mẹ da màu hay các người vợ thuộc gia đình nghèo. Khách hàng không cảm thấy được tôn trọng, lắng nghe và thấu hiểu khi đến gặp những chuyên gia này và đây là lý do chính khiến Mander trở nên hấp dẫn hơn.
Thấu hiểu được điều này, Mander luôn tìm cách điều chỉnh khóa học sao cho gần với trải nghiệm cuộc sống của khách hàng nhất, bất kể là trợ giúp lập ngân sách, trả nợ hay thậm chí là thiết kế kịch bản để khách hàng nói chuyện với người thân về tiền bạc.
Sự cá nhân hóa này khiến Mander có sự đặc trưng riêng mà không một chương trình nào có thể sao chép, đồng thời giúp người phụ nữ này xây dựng được mạng lưới khách hàng trung thành vững chắc.
*Nguồn: CNBC