Theo CBS News, một nhóm các nhà khoa học quốc tế đã phát hiện ra một hóa thạch 240 triệu năm tuổi từ kỷ Trias (kỷ Tam Điệp) ở Trung Quốc, một nhà khoa học đã mô tả hình ảnh bộ hóa thạch là "rồng trong thần thoại Trung Quốc, dài và giống rắn".
Trên thực tế, đây là một loài bò sát biển có tên gọi Dinocephalosaurus Orientalis, với chiều dài 5 mét, nó có một chiếc cổ cực kỳ dài với 32 đốt sống cổ riêng biệt, theo Bảo tàng Quốc gia Scotland. Hóa thạch của Dinocephalosaurus được tìm thấy ở tỉnh Quý Châu thuộc miền nam Trung Quốc.
Dinocephalosaurus Orientalis được xác định khi hộp sọ của nó được tìm thấy lần đầu tiên vào năm 2003, nhưng phát hiện bộ hóa thạch lần này có cấu trúc hoàn chỉnh hơn rất nhiều, cho phép các nhà khoa học có cái nhìn đầy đủ đầu tiên về loài sinh vật cổ dài kỳ lạ này.
"Đây là một ví dụ khác về thế giới kỳ lạ và tuyệt vời của kỷ Trias, tiếp tục khiến các nhà cổ sinh vật học sửng sốt. Chúng tôi chắc chắn rằng nó sẽ thu hút trí tưởng tượng trên toàn cầu do vẻ ngoài ấn tượng, gợi nhớ đến loài rồng của Trung Quốc thần thoại và có phần nào giống rắn", Nick Fraser, người phụ trách Khoa học Tự nhiên tại Bảo tàng Quốc gia Scotland cho biết.
Theo nghiên cứu được xuất bản bởi Đại học Cambridge, hóa thạch này, cùng với hai phôi thai được phát hiện trước đó của một sinh vật tương tự, đã giúp các nhà khoa học có thêm thông tin về loài sinh vật này. Chúng sống dưới nước và có khả năng không cần lên mặt đất để đẻ trứng.
Dinocephalosaurus là loài sinh vật giống rắn sống dưới nước.
Hộp sọ được phát hiện lớn nhất của một con Dinocephalosaurus Orientalis dài khoảng 23 cm và chiếc răng được bảo quản lớn nhất dài khoảng 2,5 cm. Bộ hóa thạch mới nhất gồm hộp sọ, đốt sống, xương sườn, chi và phần đuôi bị mất. Tuy nhiên, các đốt sống lại được bảo quản khá hoàn hảo.
Các nhà nghiên cứu từ Mỹ, Vương quốc Anh, Trung Quốc và Châu Âu đã nghiên cứu sinh vật này trong 10 năm qua. "Trong số tất cả những phát hiện phi thường mà chúng tôi đã thực hiện ở kỷ Trias của tỉnh Quý Châu, thì Dinocephalosaurus có lẽ là con vật đáng chú ý nhất," giáo sư Li Chun của viện nghiên cứu sinh vật cổ đại cho biết.