Hồ sơ dự thầu cho 6 dự án 5G lớn đã bị hoãn lại kể từ ngày 1/1 vừa qua. Chúng bao gồm một dự án Internet công nghiệp ở tỉnh Quảng Đông, một dự án liên quan đến bệnh viện ở tỉnh Giang Tây và một dự án liên quan đến cảnh sát ở tỉnh Cam Túc. Trong khi đó, 2 nhà cung cấp hàng đầu về cáp quang có trụ sở và các cơ sở sản xuất chính tại thành phố Vũ Hán, tâm điểm của dịch Covid-19, vẫn đang đóng cửa.
Ngoài việc cung cấp kết nối Internet với tốc độ nhanh hơn nhiều, 5G hứa hẹn sẽ cho ra đời một loạt các sản phẩm và dịch vụ công nghệ mới từ xe tự lái đến các nhà máy thông minh.
Trung Quốc đặt 5G làm mục tiêu ưu tiên quốc gia nhằm triển khai mạng lưới và dịch vụ toàn quốc vượt xa các quốc gia khác. Chính vì vậy từ năm 2019, họ đã thúc đẩy các nhà khai thác viễn thông đẩy nhanh việc triển khai cung cấp dịch vụ 5G.
Ngay cả sau khi dịch bệnh bùng phát, Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết vào đầu tháng 2 rằng, đầu tư 5G có thể giúp bù đắp sự suy giảm chi tiêu của người tiêu dùng do Covid-19 gây ra.
Song cũng giống như các doanh nghiệp khác ở Trung Quốc, các công ty thiết bị viễn thông và nhà mạng đang vật lộn với các cơn ác mộng trong dịch vụ hậu cần vì hạn chế đi lại và kiểm dịch gây ra tình trạng thiếu nhân viên và cản trở việc vận chuyển hàng hóa.
Công ty cổ phần cáp và cáp quang Yangtze, một trong hai nhà sản xuất cáp sợi hàng đầu có trụ sở tại Vũ Hán, cho biết vào tháng 1/2020 rằng họ sẽ dựa vào các nhà máy của mình ở các khu vực khác của Trung Quốc để duy trì sản xuất.
Ngày 20/2 vừa qua, một Giám đốc công ty nói với Reuters rằng, việc sản xuất vẫn chưa hoạt động trở lại ở Vũ Hán và các nhà máy khác đang hoạt động với công suất 50%. Tuy nhiên, ông từ chối bình luận về tác động đối với các kế hoạch 5G của Trung Quốc.
Cùng lúc này, công ty công nghệ truyền thông FiberHome, nhà cung cấp cáp quang khác có trụ sở tại Vũ Hán, cho biết trên trang web của mình hiện tại họ đang cố gắng duy trì hoạt động thông qua điều hành công việc từ xa.
Các nhà cung cấp khác như công ty công nghệ Shengyi, công ty sản xuất bảng mạch in và cáp đồng và công ty truyền thông Tongyu chuyên sản xuất ăng ten cũng cho biết việc sản xuất bị chậm trễ do ảnh hưởng của Covid-19.
Covid-19 đã làm ảnh hưởng đến việc xây dựng các trạm gốc 5G của nhà mạng China Mobile và dự kiến sẽ chuyển sang cuối tháng 12 này hoặc đầu tháng 1 năm sau. Nhìn chung, Covid-19 sẽ có tác động nhất định đến việc xây dựng mạng 5G của các nhà mạng của Trung Quốc.
Theo Edison Lee, một nhà phân tích tại Jeffries, “nếu nhà mạng không thể có được sợi quang, họ có thể trì hoãn việc mua trạm gốc”.
Một giám đốc điều hành của nhà cung cấp thiết bị mạng viễn thông lớn nhất thế giới Huawei cho biết công ty đã có đủ kho dự trữ thiết bị để kéo dài từ ba đến sáu tháng.
Ở hầu hết các quốc gia, việc triển khai 5G chưa bắt đầu hoặc đang ở giai đoạn đầu của việc triển khai, các nhà khai thác mạng cũng đang tiến hành một cách thận trọng vì vấn đề kinh phí và thiếu tiềm năng lợi nhuận trong ngắn hạn.