Temu là sàn TMĐT nổi tiếng vì loại bỏ được nhiều bước trung gian, thường có thể đưa sản phẩm từ nhà sản xuất trực tiếp đến tay người dùng. Nhờ đó mà nhiều món đồ trên sàn này được quảng cáo là có mức giá cực kì hấp dẫn, liên tục giảm và đi kèm nhiều ưu đãi. Vì mới ra mắt nên Temu còn đang miễn phí vận chuyển cho mọi đơn hàng.
Quảng cáo hay là vậy nhưng chỉ cần lướt khoảng 10 phút, xem thử vài món hàng và so sánh giá với các sàn TMĐT hàng đầu tại Việt Nam như Shopee, Tik Tok Shop hay Lazada sẽ thấy, nhiều món đồ trên Temu không hề rẻ hơn, thậm chí còn bán đắt gấp đôi. Có nhiều món, nhất là hàng cao cấp chính hãng không xuất hiện trên sàn này, hoặc có thì số lượng cửa hàng bán không nhiều, người dùng ít lựa chọn hơn.
*Lưu ý: Giá các sản phẩm được ghi lại tại 1 thời điểm nhất định, có thể thay đổi, tăng giảm tùy chương trình ưu đãi, đặc biệt vào đợt sale cuối tháng đang diễn ra. Bạn đọc có thể kiểm tra giá thực tế bằng những đường link phía dưới.
Bên cạnh đó, hiện còn có khá nhiều điều quan trọng mà người dùng cần chú ý khi mua hàng trên Temu. Đầu tiên, sàn này chưa cho thanh toán COD (nhận hàng mới trả tiền), chỉ cho phép thanh toán qua Thẻ thanh toán quốc tế hoặc Apple Pay/Android Pay. Quá trình thanh toán với nhiều loại thẻ này cũng bỏ qua bước nhập mã bảo mật qua tin nhắn OTP nên có thể trở thành 1 lỗ hổng bảo mật lớn, cho phép kẻ xấu lợi dụng. Nếu chỉ muốn mua thử đồ ở Temu, bạn nên xóa thông tin thẻ trong menu cài đặt của ứng dụng ngay sau khi đặt mua thành công hoặc dùng Apple Pay/Android Pay chứ không nên dùng Thẻ thanh toán thông thường.
Vấn đề thứ 2 mà chính Temu cũng phải thông báo trong ứng dụng: Khách hàng có thể bị lừa khi kẻ xấu gọi điện, nhắn tin, gửi mail thông báo không thể giao hàng vì lý do gì đó, yêu cầu trả thêm phí vận chuyển. Trên mạng xã hội, hiện đã có người gặp tình trạng tương tự.
Thứ 3, người dùng nên cân nhắc mua hàng qua Temu ở thời điểm hiện tại vì khi thanh toán bằng Thẻ thanh toán quốc tế có thể bị tính thêm phí thanh toán bằng ngoại tệ. Chi phí này tùy thuộc vào từng ngân hàng và từng loại thẻ, chỉ khoảng vài % thôi nhưng nếu mua nhiều cũng có thể khiến chúng ta “ngã ngửa” vì chỉ hiện ra trong sao kê cuối kỳ, không có trong tin nhắn hay thông báo số dư ngay sau khi mua.
Kết lại là, bạn không nên tin ngay vào những lời quảng cáo về đồ rẻ về Temu. Cũng như khi săn sale ở các sàn TMĐT khác, hãy tìm hiểu kĩ mức giá của từng sàn, thêm voucher giảm được bao nhiêu, phí ship cao hay thấp… trước khi đặt hàng. Ngoài ra tất nhiên còn là bước kiểm tra các đánh giá thực tế từ người dùng, xem thêm ảnh và video đính kèm để biết liệu đồ có “xịn” như quảng cáo hay không.