Trang SciTechDaily ngày 19-9 đưa tin trong một bài báo được xuất bản trên tạp chí khoa học The Verstrophysical Journal, nhóm các nhà thiên văn học do nhà nghiên cứu Sixiang We tại Trường ĐH Arizona (Mỹ) dẫn đầu đã sử dụng tia X phát ra từ sự kiện gián đoạn thủy triều được gọi là J2150 để thực hiện phép đo khối lượng lỗ đen đầu tiên. Họ quan sát lỗ đen vũ trụ này - có khối lượng trung bình, nặng hơn 10.000 lần khối lượng của Mặt trời - từ cách đây rất lâu.
Các nhà thiên văn học ghi nhận cuộc gặp chết chóc giữa lỗ đen nói trên với một ngôi sao, tạo nên vệt sáng kéo dài. Điều đó cho thấy ngôi sao xấu số đã bị lỗ đen ngấu nghiến và nuốt chửng.
Sự kiện gián đoạn thủy triều. Ảnh: NASA
Nhà nghiên cứu We nói: "Phát xạ tia X từ đĩa bên trong được hình thành bởi các mảnh vụn của ngôi sao chết khiến chúng ta có thể suy ra khối lượng của lỗ đen và phân loại nó như một lỗ đen có khối lượng trung bình".
"Có thể nhìn thấy lỗ đen này khi nó nuốt chửng một ngôi sao giúp chúng ta có cơ hội quan sát những thứ được xem là vô hình. Không những vậy, bằng cách phân tích tia sáng, chúng ta có thể hiểu rõ hơn về loại lỗ đen khó nắm bắt này và có thể tính được phần lớn lỗ đen ở trung tâm của các thiên hà" - GS thiên văn học Ann Zabludoff, đồng tác giả bài báo, cho biết.
"Chúng ta vẫn biết rất ít về sự tồn tại của các lỗ đen ở trung tâm của các thiên hà nhỏ hơn Dải Ngân hà. Do những hạn chế về quan sát, sẽ là một thách thức để khám phá các lỗ đen trung tâm nhỏ hơn 1 triệu lần khối lượng Mặt trời" - đồng tác giả bài báo Peter Jonker cho biết thêm.
Các nhà khoa học hiện có rất ít thông tin về nguồn gốc của các lỗ đen siêu lớn. Và các lỗ đen có khối lượng trung bình có thể là "hạt giống" từ các lỗ đen siêu lớn phát triển thành.