Đài thiên văn bị tín hiệu lạ từ thiên hà khác "dội bom" gần 2.000 lần

(NLĐO) - Một tín hiệu lạ dạng chớp sóng vô tuyến được các nhà khoa học mô tả là "từ bên kia vực thẳm của thời gian và không gian" đã bùng nổ tổng cộng 1.863 lần chỉ trong vòng 82 giờ quan sát.

Theo Science Alert, nguồn phát tín hiệu bí ẩn được đặt tên là FRB 20201124A, được phát hện bởi Kính viễn vọng vô tuyến hình cầu khẩu độ 500 m (FAST) ở Trung Quốc và được mô tả trong các bài báo khoa học mới đẫn dầu bởi nhà thiên văn học Heng Xu từ Trường ĐH Bắc Kinh.

Trước đây, giả thuyết khả dĩ nhất cho chớp sóng vô tuyến (FRB) là các sao neutron hoang dã nhất. Sao neutron vốn là tàn tích của một ngôi sao khổng lồ đã chết đi vì cạn năng lượng, sụp đổ thành một khối cầu cực nhỏ nhưng mang siêu năng lượng, đủ sức xuyên qua các thiên hà.

Đài thiên văn bị tín hiệu lạ từ thiên hà khác "dội bom" gần 2.000 lần - 1
Đài thiên văn bị tín hiệu lạ từ thiên hà khác "dội bom" gần 2.000 lần - 2

Tuy nhiên, nếu FRB 20201124A là một sao neutron thì nó là một mẫu vật cực kỳ bất thường. Các FRB trước đây chỉ phát đến Trái đất 1 lần hoặc lặp lại vài lần, lặp lại gần 2.000 lần như nó là một điều hoàn toàn bí hiểm.

"Rõ ràng là FRB bí ẩn hơn những gì chúng ta tưởng. Cần có thêm chiến dịch quan sát đa bước sóng để khám phá thêm bản chất của những vật thể này" - nhà vật lý thiên văn Bing Zhang từ Trường ĐH Nevada ở Las Vegas - Mỹ, đồng tác giả, nhìn nhận.

Các kết quả kiểm tra nhằm xác định nguồn gốc cho thấy tín hiệu lạ này đến từ một thiên hà khác rất xa xôi và giống với thiên hà chứa Trái đất Milky Way.

Nó cũng là mẫu dữ liệu FRB mang độ phân cực lớn nhất từng được tìm thấy - phản ánh sự định hướng sóng ánh sáng trong không gian ba chiều.

Bẳng cách xem xét cách ánh sáng bị định hướng, các nhà khoa học có thể tìm hiểu xem đã bao lâu từ khi ánh sáng rời khỏi vật thể mẹ cũng như môi trường mà nó đi qua.

Trong trường hợp này, FRB 20201124A đã đi qua một thế giới có nguồn từ trường mạnh, cường độ từ trường thay đổi theo thời gian mà theo tiến sĩ Zhang là "một môi trường phát triển động, từ hóa mà trước đây chưa bao giờ có thể tưởng tượng được".

Sự xáo động này cũng đưa đến khả năng nó có một người bạn đồng hành rất mạnh mẽ là một ngôi sao loại Be màu xanh, cực nóng.

Có nhiều giả thuyết xung quanh các FRB. Giả thuyết được ủng hộ nhất gần đây cho rằng FRB chủ yếu là sao neutron, đặc biệt là các dạng sao neutron siêu mạnh như sao xung hoặc sao từ, hoặc một cú va chạm, hoặc sao neutron đó bỗng nhiên phát nổ khi đi vào giai đoạn cuối đời, tạo ra sóng xung kích cực mạnh xuyên thủng không - thời gian.

Cũng có giả thuyết cho rằng FRB có thể đến từ các lỗ đen siêu khối (lỗ đen "quái vật"), thậm chí là tín hiệu từ một nền văn minh ngoài hành tinh.

Nghiên cứu này vừa được công bố trong 2 bài báo khoa học đăng tải trên 2 tạp chí Nature và Nature Communications.