Đài thiên văn Úc bắt được hàng ngàn tín hiệu vô tuyến từ thiên hà khác

ASKAP – kính viễn vọng vô tuyến mạnh mẽ đặt tại Úc – đã hướng về phía Đám mây Magellan Lớn và thu được các tín hiệu vô tuyến bất ngờ từ vùng vũ trụ lân cận.

Theo Science Alert, phát hiện thuộc khuôn khổ Dự án khoa học về Bản đồ Tiến hóa vũ trụ sơ khai. Theo nhà thiên văn học Clara Pennock từ Đại học Keele (Anh), thành viên nhóm nghiên cứu, ASKAP – kính viễn vọng vô tuyến có độ nhạy cao nhất trên thế giới hiện nay – đã đem về những dữ liệu cực sắc sảo, giúp tiết lộ hàng ngàn nguồn phát xạ vô tuyến chưa từng được biết đến trước đây.

ASKAP hướng tầm nhìn về phía Đám mây Magellan Lớn, thiên hà "hàng xóm" của thiên hà chứa Trái Đất Milky Way, nhưng chủ yếu tập trung về những thiên hà cổ đại ở nơi rất xa, cách chúng ta hàng triệu đến hàng tỉ năm ánh sáng.

Các tín hiệu vô tuyến thu thập được khó lòng phát ra từ một nền văn minh ngoài Trái Đất như chúng ta mong đợi, mà chủ yếu từ lỗ đen "quái vật" nằm ở trung tâm của các thiên hà xa xôi, hoặc một số vật thể thiên văn phát xạ vô tuyến cực mạnh khác, bao gồm các ngôi sao non trẻ, các tinh vân hành tinh hay các siêu tân tinh. Những tín hiệu vô tuyến đặc biệt này sẽ giúp giới thiên văn "nhìn" được vùng vũ trụ cực xa, từ đó vẽ nên bản đồ.

Nhóm khoa học gia dự định thu thập khoảng 50.000 nguồn vô tuyến từ phía sau Đám mây Magellan Lớn để phục vụ việc lập bản đồ. Đó sẽ là một bản đồ từ quá khứ, bởi nếu chúng ta nhìn thấy một thiên hà cách 1 tỉ năm ánh sáng, thì hình ảnh nhìn được đã thuộc về 1 tỉ năm trước. Cách nhìn này cũng giúp các nhà thiên văn hiểu thêm về vũ trụ sơ khai.

Đám mây Magellan Lớn thuộc dạng thiên hà lùn, nhỏ hơn chúng ta rất nhiều và ước tính sẽ va chạm với thiên hà Milky Way của chúng ta 2,4 tỉ năm tới. Tuy nhiên kết quả sẽ là bị Milky Way hấp thụ như ít nhất 16 "nạn nhân" trước đó.