Bán xe điện lỗ 200 triệu mỗi chiếc
Gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Xiaomi đã thu hút sự chú ý vào tháng 3 khi chiếc xe điện đầu tiên của hãng bán hết sạch với gần 90.000 đơn đặt hàng trước chỉ trong một ngày sau khi ra mắt.
Xiaomi tuyên bố họ đang trên đà phá vỡ mục tiêu giao 100.000 chiếc xe đầu tiên, Speed Ultra 7, vào tháng 11. Nhưng trái với số lượng khả quan bán ra, công ty vừa báo lỗ 252 triệu USD trong quý 2 kết thúc vào ngày 30/6.
Nhà sản xuất xe điện mới cho biết họ đã giao 27.307 chiếc SU7 trong quý 2, nghĩa là trung bình mỗi xe lỗ 9.200 USD (hơn 200 triệu). Giá cơ bản của SU7 là 215.900 nhân dân tệ, tương đương khoảng 30.000 USD (gần 750 triệu).
Điều này không có nghĩa là Xiaomi càng giao nhiều xe thì lỗ càng nhiều. Công ty báo cáo biên lợi nhuận gộp cao hơn dự kiến 15,4%. Tuy nhiên, các dấu hiệu cho thấy mảng ô tô của hãng sẽ mất nhiều thời gian để hòa vốn, điều mà CEO Lei Jun từng đề cập vào tháng 4 rằng xe đang bán lỗ, mặc dù ông không nói rõ lỗ bao nhiêu.
Các nhà phân tích của Citibank dự kiến Xiaomi sẽ chỉ có lãi sau khi đạt doanh số hàng năm từ 300.000 đến 400.000 xe. Họ dự báo doanh số bán hàng là 260.000 xe vào năm 2026.
Xiaomi vận hành nhà máy sản xuất xe điện tự tay xây dựng. Kể từ tháng 6, công ty đã vận hành hai ca để đẩy mạnh lượng xe giao hàng hàng tháng lên hơn 10.000 xe. Người phát ngôn chia sẻ với Business Insider rằng công ty đang tập trung vào mở rộng quy mô mảng xe điện để thu hẹp chi phí cho mỗi xe.
"Xe điện đầu tiên của Xiaomi là một chiếc sedan chạy hoàn toàn bằng điện và chi phí đầu tư tương đối cao nên sẽ mất một thời gian để cân bằng được phần chi phí này", người phát ngôn giải thích.
Lei Jun, nhà đồng sáng lập tỷ phú của Xiaomi, tuyên bố vào tháng 3 rằng ông dự định rót "hàng chục tỷ đô la đầu tư" trong vài năm tới để xây dựng bộ phận xe điện và công nghệ ô tô của Xiaomi.
Công ty công nghệ từ lâu đã tuyên bố tầm nhìn đối với SU7 là tạo ra một chiếc xe thông minh có thể cạnh tranh với Tesla của Elon Musk nhưng có giá phù hợp với thu nhập trung bình của người dân Trung Quốc.
Xiaomi cho biết khách hàng vẫn đang đến với công ty, với tổng cộng 13.000 xe được bán ra trong quý 2 và tháng 7.
Tham vọng của hãng đối với dòng xe điện còn xa hơn nữa, bao gồm khả năng tự lái và tự đỗ xe cùng trợ lý trí tuệ nhân tạo dựa trên âm thanh sẽ được xuất xưởng hoàn chỉnh trong tháng này.
Nhìn chung, Xiaomi đã công bố kết quả kinh doanh khả quan trong quý 2, với doanh số trên mọi lĩnh vực tăng 32% lên 88,7 tỷ nhân dân tệ so với cùng kỳ năm 2023.
Lợi nhuận ròng cũng đạt 5 tỷ nhân dân tệ, tăng 38% so với mức 3,6 tỷ nhân dân tệ trong quý 2 năm ngoái. Công ty cho biết có kế hoạch sản xuất nhiều mẫu xe điện khác nhau ngoài mẫu xe SU7 nhưng chưa nói rõ đó là những mẫu xe nào.
Quá tốn tiền, Xiaomi làm xe điện làm gì?
Xiaomi, nổi tiếng với tư cách nhà sản xuất điện thoại thông minh và các thiết bị điện tử tiêu dùng, chiếm 13% doanh số bán điện thoại thông minh toàn cầu và Trung Quốc trong quý cuối cùng của năm 2023, theo dữ liệu từ Counterpoint Research. Công ty xếp hạng thứ 5 tại Trung Quốc trong cả năm.
Mặc dù biết sẽ tiêu tốn nhiều chi phí, Xiaomi vẫm muốn làm xe điện để tận dụng công nghệ có sẵn như điện thoại thông minh, TV thông minh và các thiết bị giá rẻ khác cùng kết nối trong hệ sinh thái mà họ gọi là "Người x Xe x Nhà".
Tu Le, người sáng lập công ty tư vấn Sino Auto Insights, cho biết Xiaomi đang cố gắng khép kín vòng tròn bằng cách thêm dịch vụ vận chuyển vào danh mục sản phẩm đã tích hợp vào cuộc sống cá nhân và công việc của khách hàng.
"Khả năng trở thành một phần liên tục trong cuộc sống của ai đó là mục tiêu của các công ty công nghệ", Le nói với NBC News. "Bạn sẽ không tìm được ai ở Bắc Kinh không có ít nhất một sản phẩm Xiaomi, có thể là điện thoại di động, máy tính, TV, máy lọc (không khí) hoặc máy tính bảng".
Là công ty mới tham gia vào ngành sản xuất ô tô, Xiaomi có căn cứ để tin rằng họ có thể thiết kế và phát triển một chiếc xe có khả năng bán được. Với nền kinh tế Trung Quốc trì trệ và cuộc chiến giá xe điện đang diễn ra, nhà phân tích dự đoán sẽ mất một hoặc hai năm để xem liệu Xiaomi có thể thích nghi để sửa chữa bất kỳ sai lầm nào và thành công hay không.
"Có lợi thế của một công ty công nghệ, nhưng Xiaomi cần dung hòa điều đó trong việc học cách trở thành một công ty công nghệ chế tạo ô tô", Le nói.