Nếu nhắc đến màn hình mang thương hiệu Aorus – dòng sản phẩm cao cấp dành cho game thủ của Gigabyte, đó chắc chắn không phải điều gì xa lạ. Những chiếc màn hình có thiết kế cực ngầu, đèn LED lập lòe cùng chất lượng hình ảnh hướng đến những trải nghiệm chơi game chuyên nghiệp nhất dành cho game thủ.
Tuy nhiên, nói đến màn hình Gigabyte thì lại là chuyện khác. Gigabyte chưa từng sở hữu bất cứ mẫu màn hình nào mang thương hiệu này, bởi vậy chiếc G32QC này có thể được coi là sản phẩm đầu tàu dẫn dắt người dùng đến với những chiếc màn hình mang thương hiệu Gigabyte từ nay trở về sau. Ngoài G32QC, vẫn còn tới 4 chiếc màn hình Gigabyte khác đều là 27 inch thì vẫn chưa xuất hiện trên thị trường ngoài một số thông tin ít ỏi về sản phẩm trên trang chủ.
Xét về tổng thể thì Gigabyte G32QC cũng như những người đàn em của mình sẽ sử dụng chung một nguyên mẫu thiết kế rất thực dụng, đơn giản không cầu kì như những chiếc Aorus Gaming Monitor trước đó. Phần chân đế hình chữ V to bản, trục giữa lớn có thể nâng lên hạ xuống, có lỗ đi dây và có thể thay đổi góc nhìn lên xuống nhưng lại không xoay được góc 90 độ (điều này cũng dễ hiểu với một màn hình cong cỡ lớn mà thôi!)
Để gắn màn hình với chân đế, G32QC không dùng ngàm gài như nhiều sản phẩm khác mà là 4 con ốc vặn. Dựa vào phần bắt ốc chúng ta có thể thấy màn hình này hỗ trợ tốt chuẩn Vesa dành cho các tín đồ sử dụng tay đỡ hoặc treo tường. Màn hình khá ổn nếu đứng im một tư thế, tuy nhiên mỗi lần phải vịn vào màn hình để điều chỉnh nâng hạ thì đều có cảm giác khá gợn tay như thể tấm nền sẽ vỡ lúc nào không hay.
Phần cổng cắm của G32QC cũng khá phổ thông với 2 cổng HDMI, 1 cổng DP cùng với 1 hub USB dành cho các thiết bị ngoại vi như chuột và bàn phím có thể kết nối trực tiếp qua hệ thống màn hình. Ngoài ra cổng 3.5mm audio cũng khá tiện lợi cho một số game thủ sử dụng hệ thống âm thanh có đầu vào 3.5mm tương tự.
Màn hình được điều khiển qua một cần analog 5 hướng, khá dễ để thao tác mà không phải mò mẫm từng phím bấm. Tuy nhiên nút nhấn có phần hơi cứng nên cần có lực tương đối để bật nguồn màn hình. Nói luôn về menu OSD trên G32QC thì nó được thừa hưởng những gì tinh túy nhất của dòng màn hình Aorus và chỉ thay đổi 1 chút về màu sắc mà thôi. Điểm mạnh đáng chú ý của hệ thống menu này là có thể sử dụng 1 phần mềm trên máy tính để thao tác dễ dàng hơn bởi vậy ngoài chức năng để bật nguồn thì cần analog này có phần hơi "vô dụng".
Quay lại với thành phần chính quyết định phần lớn giá trị của chiếc màn hình, đó là một tấm nền VA cong 1500R 32inch ở độ phân giải 2K với phần viền mỏng khá sang. Một logo Gigabyte ở cạnh dưới rất rõ ràng khẳng định "chủ quyền" và tăng nhận dạng thương hiệu.
Về công nghệ hình ảnh, G32QC là sản phẩm mới được thừa hưởng rất nhiều lợi thế của một màn hình gaming trong thời đại mới. Nó được trang bị AMD FreeSync Premium Pro, G-sync Compatible, 2 chuẩn đồng bộ tín hiệu hình ảnh đến từ 2 thương hiệu card đồ họa phổ thông nhất hiện nay. Nhìn chung, đây đều là những tính năng rất hữu ích dành cho những game thủ thường chơi những tựa game có tốc độ cao như FPS hay đua xe.
Các tính năng khác về hình ảnh đáng lưu ý trên G32QC là tần số quét 165Hz – một chuẩn mực mới được nhiều nhà sản xuất màn hình gaming sử dụng thay cho 144Hz đã cũ, 1ms (MPRT) tốc độ phản hồi. Ngoài ra còn có bảng màu 8 bit đem lại màu sắc sống động trong game.
Nhìn chung, Gigabyte G32QC đánh mạnh vào trải nghiệm hình ảnh của game thủ và tối giản những thứ không thực sự cần thiết. Nó to lớn, đã mắt và mượt mà đủ để game thủ có thể lựa chọn vì chính những gì mà họ cần ở một màn hình gaming.