Đánh thức Tết 2018: Cùng công nghệ đánh thức Tết

Trong kỷ nguyên công nghệ 4.0, rất nhiều người ray rứt với 'cái Tết không smartphone ngày xưa', và điều này hoàn toàn sai lầm. Rõ ràng, những giá trị truyền thống vẫn ở đó. Smartphone, tablet hay laptop chẳng có tội tình gì. Nếu có sai, thì đó là do con người đã tự biến mình thành nô lệ của công nghệ.

Công nghệ “ướp lạnh” Tết?

Những năm gần đây, mỗi dịp xuân sang người ta lại ngồi trong khí Tết nay mà nhớ lại khí Tết xưa. Là lá dong, thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ, là cả nhà sum vầy quây quần đón giao thừa, là lì xì 500 đồng đỏ tươi sáng mồng Một. Khi thời đại số vụt đến, những thứ này dần biến mất và để lại nhiều tiếc nuối.

Tết xưa vui hơn, thích hơn, đầm ấm hơn, sum họp hơn trong khi Tết nay chán ngắt. Tết xưa cả nhà cùng xem Táo Quân, bố mẹ chặt thịt gà, con ngồi mắt long lanh ngắm nhìn nồi bánh chưng đỏ rực. Tết xưa quá quyến rũ và khiến lòng người luyến lưu, Tết hiện đại đã bị ghẻ lạnh. Phỏng vấn hàng trăm bạn trẻ là sinh viên, học sinh trên địa bàn thành phố Hà Nội, chúng tôi nhận được 70% câu trả lời với ý chính: Tết nhạt.

Tại sao Tết Nhạt?Đêm giao thừa, thay vì quây quần bên mâm cơm tất niên, tất cả mọi người cùng cắm mặt vào smartphone như một hình thức update truyền thống. Chụp ảnh gia đình rồi treo tường nhà đã trở nên quá xa xỉ, giờ đây đăng tải trên Facebook mới là cách lan tỏa yêu thương rộng khắp. Tương tự, chúc Tết qua chiếc màn hình vô cảm đã trở thành hình thức hỏi thăm ngày xuân phổ biến.

Nhịp sống số quá gấp gáp và xô bồ đẩy người ta xa cách nhau hơn. Và vì thế, Tết không còn ấm áp và sum vầy như ngày trước. Tết không còn hấp dẫn và được đón đợi như những tháng ngày “đói ngày giỗ cha, no ba ngày Tết”. Người ta cho rằng các giá trị truyền thống tốt đẹp bị mất đi và kêu gọi mọi người nên thực hành lại những cái Tết cổ truyền.

#Tetnology: Cùng công nghệ đón Tết

Năm 2018, một năm trong chuỗi dài của kỷ nguyên công nghệ 4.0, những đứa trẻ thuộc thế hệ Z dần lớn lên và sẵn sàng gánh vác trách nhiệm với tư cách “chủ nhân tương lai của thế giới”. Chẳng có gì ngạc nhiên nếu như Tết của iGen là một cái Tết mà công nghệ chiếm một vị trí chủ đạo. Nhưng không vì thế Tết nay mất chất.

Mỗi lần Tết chớm đến qua các quảng cáo ngàn lượt share trên FB, người người vẫn bồi hồi nhớ nhà, nhớ quê, trẻ con vẫn háo hức nhưng ngày tháng được nghỉ học, ăn những món ngon và nhận lì xì. Công nghệ giúp kéo những người ở xa lại gần bên nhau qua những cuộc trò chuyện video.

Công nghệ giúp cái Tết của mẹ bớt nặng nhọc bởi lời hỏi thăm qua Messenger buổi sớm của đứa con xa quê chuẩn bị về nhà. Công nghệ là kho tàng dự trữ ký ức khổng lồ để người ta có thể yêu thương nhau nhiều hơn.

Tết là mong muốn đoàn viên, trao gửi yêu thương và mong ước về một năm mới tốt đẹp hơn; bỏ qua điều cũ xấu xí và rộng lòng đón một năm mới may mắn, ngập tràn niềm vui. Tết vẫn vậy. Khi còn là những đứa trẻ con, chúng ta vẫn luôn hồ hởi khi Tết đến. Rồi lớn lên, giữa nhịp sống bề bộn, chúng ta dần nhạt miệng với Tết.

Khi bạn cảm thấy Tết nhạt vì công nghệ, nghĩa là bạn đang làm nô lệ cho những thói quen xấu mà tự bạn tạo ra. Công nghệ chỉ là công cụ mang ý nghĩa kết nối và một hình thức điển hình của sự tiện dụng. Nó lặng lẽ tham gia vào Tết nay chứ không hủy bỏ những giá trị cốt lõi.

Hiểu được nỗi oan của công nghệ, chiến dịch Đánh Thức Tết 2018 của Câu lạc bộ Truyền thông YMC (Đại học Ngoại thương Hà Nội) được khởi chạy với mong muốn mang đến một góc nhìn tích cực cho các bạn trẻ về Tết công nghệ.

Với sự góp mặt của MC Phan Anh, NSƯT Trung Anh và NSND Hoàng Dũng, lễ phát động chiến dịch sẽ được tổ chức tại sân nhà A, Đại học Ngoại thương Hà Nội vào lúc 11 giờ 30 phút. Hãy đến với chúng tôi để tận hưởng một cái #Tetnology đúng nghĩa.