CEO Tesla, Elon Musk, từng khiến thị trường tiền mã hoá chao đảo, trong đó giá Bitcoin tụt đến 14%, khi nói rằng công ty của ông sẽ không chấp nhận thanh toán tiền mua xe hơi bằng Bitcoin với lý do: hoạt động đào tiền mã hoá sử dụng than đá và các loại nhiên liệu hoá thạch khác gây ô nhiễm môi trường.
Sau khi liên tiếp lập đỉnh mới trong năm nay, những đồng tiền mã hoá như Bitcoin, Ethereum, Dogecoin… cũng làm dấy lên nhiều quan ngại về lượng điện năng cần để đào tiền mã hoá. Nhiều cơ sở đào Bitcoin hoạt động 24/7, tiêu thụ điện năng còn nhiều hơn toàn bộ Argentina. Đi kèm theo đó hiển nhiên là hàm lượng khí thải carbon và nhiều phụ phẩm khác, góp phần làm trầm trọng thêm khủng hoảng khí hậu toàn cầu.
Đào tiền mã hoá là gì?
Khi giao dịch Bitcoin được thực hiện, các máy tính trên toàn cầu bước vào một cuộc chạy đua để hoàn thành một phép tính mà kết quả là một con số thập lục phân 64-bit, gọi là "hash", cho Bitcoin đó. Hash này được đưa vào một sổ cái công khai để bất kỳ ai cũng có thể xác nhận rằng giao dịch Bitcoin nói trên đã diễn ra. Máy tính đầu tiên giải quyết được phép tính sẽ được thưởng 6,2 bitcoin, tương đương khoảng 248.703 USD ở thời điểm hiện tại.
Những đồng tiền mã hoá khác cũng sử dụng công nghệ đào tương tự, góp phần vào lượng điện năng tổng thể.
Hệ thống đào tiền ảo là gì?
Đó là một máy tính barebones với nhiều card đồ hoạ (GPU) thay vì chỉ một card như thông thường. Những hệ thống này thường sử dụng GPU "khủng" từ Nvidia và AMD để xử lý các phép tính và đòi hỏi nguồn điện công suất rất cao. Vì hoạt động đào tiền mã hoá ngày càng phổ biến, nên thị trường card đồ hoạ cũng rơi vào tình trạng thiếu hụt trầm trọng.
Tại sao đào tiền mã hoá lại cần nhiều điện năng như vậy?
Đầu tiên, card đồ hoạ trong hệ thống đào tiền mã hoá phải hoạt động 24/7, do đó nó tiêu thụ nhiều điện năng hơn hẳn so với việc chỉ lướt internet thông thường. Một hệ thống với 3 GPU có thể tiêu thụ 1.000 W điện hoặc hơn khi hoạt động hết công suất, tương đương với lượng điện năng hoạt động của một máy điều hoà không khí.
Các cơ sở đào tiền mã hoá có thể chứa hàng trăm, thậm chí hàng nhìn, hệ thống đào tại một địa điểm duy nhất. Ví dụ, một trung tâm đào tiền mã hoá ở Kazakhstan được trang bị đến 50.000 hệ thống đào.
Một trang trại đào tiền mã hoá ở Nadvoitsy, Nga
Những hệ thống này không chỉ tiêu thụ điện, chúng còn toả nhiệt nữa. Càng nhiều hệ thống vận hành, không khí càng oi bức. Nếu bạn không muốn những dàn máy đắt đỏ này nóng chảy, bạn cần một vài giải pháp làm mát. Một số hệ thống đào được tích hợp nhiều cụm quạt máy tính. Nhưng nếu bạn có nhiều hệ thống, căn phòng nơi chúng hoạt động sẽ nhanh chóng nóng lên, đòi hỏi bạn phải trang bị những giải pháp làm mát từ bên ngoài. Nếu quy mô "cò con", một chiếc quạt cây có thể giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, những trung tâm đào tiền mã hoá sẽ cần nhiều hơn thế, và việc tiêu tốn thêm điện năng là điều không thể tránh khỏi.
Đào tiền mã hoá tiêu tốn bao nhiêu năng lượng?
Theo thống kê của Digiconomist, một giao dịch Bitcoin cần 1.544 kWh điện để hoàn thành, tương đương xấp xỉ 53 ngày sử dụng điện của một hộ gia đình tại Mỹ.
Quy ra tiền, chi phí trung bình mỗi kWh điện tại Mỹ là 13 xu. Có nghĩa là một giao dịch Bitcoin sẽ tiêu tốn đến hơn 200 USD tiền điện. Nếu tính giá điện ở mức 2.000 đồng mỗi kWh thì một Bitcoin tiêu hao khoảng hơn 3 triệu đồng tiền điện.
Hoạt động đào Bitcoin sử dụng nhiều điện hơn cả Argentina - theo một phân tích của Đại học Cambridge hồi tháng 2 vừa qua. Ở mức 121,36 terawatt-giờ, hoạt động đào tiền mã hoá có thể được xếp vào top 30 quốc gia trên thế giới dựa trên mức tiêu thụ điện.
Tại sao tiêu thụ nhiều điện như vậy lại gây hại cho môi trường?
Nhiên liệu hoá thạch chiếm hơn 60% các nguồn năng lượng tại Mỹ, với phần lớn là khí tự nhiên, và một phần nhỏ hơn là than đá. Khí carbon dioxide sản sinh ra bởi nhiên liệu hoá thạch sẽ được thải vào khí quyển, nơi nó hấp thụ nhiệt từ mặt trời và gây nên hiệu ứng nhà kính.
Các hệ thống đào càng tiêu thụ nhiều điện, các nhà máy điện gần đó càng phải sản xuất ra nhiều điện hơn để bù đắp, lượng nhiên liệu hoá thạch vì vậy cũng được dùng đến nhiều hơn. Nhiều bang tại Mỹ có các nhà máy điện than đá đang gặp khó khăn, như Montana, New York, và Kentucky, hiện đang tìm cách kiếm tiền từ việc khuyến khích hoạt động của các công ty đào tiền mã hoá.
Những giải pháp giải quyết vấn đề năng lượng hiện nay?
Chưa có nhiều giải pháp được đưa ra cho các vấn đề nêu trên. Nghiên cứu đánh giá tài sản mã hoá toàn cầu lần 3 của Đại học Cambridge cho thấy 70% thợ đào chọn loại tiền họ muốn đào dựa trên lượng phần thưởng mỗi ngày. Mức tiêu thụ điện chỉ ảnh hưởng 30% đến lựa chọn của họ.
Tuy nhiên, các thợ đào tiền mã hoá vẫn bị thu hút bởi những nơi có thể dễ dàng tiếp cận những nguồn năng lượng tái tạo giá rẻ. Tỉnh Tứ Xuyên ở Trung Quốc là nơi có số lượng thợ đào lớn nhất quốc gia này bởi tại đây, điện sản sinh từ các nhà máy thuỷ điện có giá rất rẻ. Mùa mưa ở Tứ Xuyên giúp tạo ra nhiều điện đến mức các thành phố trong vùng này từng kêu gọi các công ty blockchain đến hoạt động nhằm tránh bỏ phí điện năng.
Một bức tường lắp đầy các hệ thống đào tiền mã hoá ở Quebec, Canada
Musk từng thảo luận với Hội thợ đào Bắc Mỹ hồi tháng 5 vừa qua, và họ đã cam kết sẽ sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo. Vị tỷ phú sau đó đăng tweet hôm 13/6 rằng Tesla sẽ chấp thuận Bitcoin trở lại nếu tỉ lệ sử dụng năng lượng sạch để đào đồng tiền mã hoá này đạt mức hợp lý, cụ thể là xấp xỉ 50%.
Các nhà điều hành Ethereum, blockchain phổ biến thứ hai sau Bitcoin, cũng đang tìm cách thay đổi lượng điện năng mà các thợ đào của họ tiêu thụ. Ethereum 2.0 là một bản nâng cấp sắp hoàn thiện vào năm nay, hoặc chậm nhất là 2022. Với Ethereum 2.0, thay vì các máy tính tìm cách giải quyết các phép toán - một giao thức gọi là proof-of-work - các máy tính sẽ được lựa chọn ngẫu nhiên để tạo block cho blockchain, trong khi các máy tính không được chọn sẽ thẩm định những block đã được tạo ra ở trên.
Nhằm đảm bảo các thợ đào làm đúng công việc của mình, mỗi thợ đào phải cọc 32 Ether, tức tương đương 85.000 USD - đó cũng là lý do giao thức này được gọi là proof-of-stake. Thay đổi này sẽ giảm đáng kể lượng điện năng cần để đào Ethereum.
Những đồng tiền mã hoá nào tiết kiệm điện hơn Bitcoin?
Một loạt các đồng tiền mã hoá - hiện tại là khoảng hơn 10.000 - sử dụng giao thức proof-of-stake mà Ethereum 2.0 dự định chuyển sang, nhờ đó lượng điện tiêu thụ đã được giảm đáng kể.
Ví dụ, Cardano sử dụng giao thức proof-of-stake của riêng mình và tiêu thụ 6 gigawatt-giờ điện mỗi năm. Để dễ so sánh, thì mức tiêu thụ điện của Cardano thấp hơn 1,5 GWh so với lượng điện đủ để cung cấp cho đảo quốc Niue ở Nam Thái Bình Dương, với dân số 1.620 người, trong một năm. Trong khi đó, Bitcoin sử dụng 126,09 terawatt-giờ mỗi năm, tương đương lượng điện Pakistan, với dân số 225 triệu người, dùng mỗi năm.
Sau đoạn tweet ngày 13/5 của Musk, Cardano đã vọt lên mốc cao kỷ lục bởi nó được xem là một giải pháp thân thiện môi trường thay thế cho Bitcoin. Giá của đồng tiền mã hoá này đạt đỉnh 2,47 USD hôm 16/5, nhưng nay đã giảm còn 1,58 USD.