Cũng giống như nhiều mặt hàng tiêu dùng khác, điện thoại thông minh sẽ mất giá trị theo thời gian. Sự xói mòn giá trị này được theo dõi bởi một trang web có tên là BankMyCell.
Trong suốt năm ngoái, công ty đã theo dõi giá trị mua lại của 310 điện thoại thông minh phổ biến nhất. Theo một báo cáo mới được công bố, dựa trên các thiết bị cầm tay có giá mua ban đầu từ 700 USD (tương đương 16,14 triệu đồng) trở lên, điện thoại Android mất giá nhanh gấp đôi so với các mẫu iPhone trong hai năm sở hữu đầu tiên.
Ngay sau khi bạn mang một chiếc điện thoại về nhà và mở hộp, giá trị của chúng đã không còn như ban đầu. Trong hơn một năm, mức giảm giá trung bình của một chiếc iPhone là 16,70% và 35,47% trong hai năm. Trong khi đó, mức giảm giá trị trung bình là 33,62% đối với điện thoại Android trong một năm và 61,50% trong hai năm. Khoảng cách lớn đó sẽ thu hẹp lại theo thời gian. Sau 4 năm, trung bình iPhone sẽ bị mất 66,43% giá trị trong khi smartphone Android sẽ là 81,11% trong cùng khoảng thời gian.
Tất nhiên, mức khấu hao có thể còn cao hơn tùy thuộc vào mức độ đón nhận của một chiếc điện thoại cụ thể trên thị trường. Ví dụ, chỉ 9 tháng sau khi Samsung Galaxy S20 Ultra được bán ra, giá mua lại đã giảm 64,71% so với giá ban đầu. Các vấn đề về camera, giá cao và đại dịch đã khiến Galaxy S20 Ultra trở nên khó bán. Trong cùng khoảng thời gian 9 tháng, iPhone 11 Pro Max đã mất 32,22% giá trị bán lẻ ban đầu.
Điện thoại Android giá thấp hơn, từ 350 USD (khoảng 8,07 triệu đồng) trở xuống giảm giá 52,61% sau năm đầu tiên, 73,61% sau hai năm, 85,15% sau ba năm và 94,90% sau năm thứ tư. Một ví dụ được đề cập trong báo cáo, Samsung Galaxy A50 tầm trung đã chứng kiến giá trị giảm gần 80% từ tháng 3/2019 – 12/2020.
Theo thương hiệu, iPhone của Apple giữ giá trị tốt hơn hầu hết các điện thoại. Tính trung bình, các mẫu iPhone mất 22,35% giá trị trong năm ngoái. Smartphone HTC giữ giá kém nhất với mức giảm trung bình lên tới 53,08% vào năm 2020.