"Hệ Mặt Trời của chúng ta không phải lúc nào cũng như ngày nay. Theo lịch sử của nó, quỹ đạo của các hành tinh đã thay đổi hoàn toàn" - Phó giáo sư Seth Jacobson từ Trường ĐH Bang Michigan (Mỹ) cùng các cộng sự đến từ Pháp và Trung Quốc cho biết.
Theo SciTech Daily, nhóm khoa học gia này vừa công bố một lý thuyết mới có thể giúp giải đáp bí ẩn về cách hệ Mặt Trời đã phát triển, mà cụ thể là làm sao những "người khổng lồ khí" - Sao Mộc, Sao Thổ, Sao Thiên Vương, Sao Hải Vương và cả một người khổng lồ khí thứ năm thoắt ẩn thoắt hiện "hành tinh thứ 9" - lại nằm ở vị trí hiện tại.
Chúng ta đã từng quan sát nhiều hệ hành tinh khác, trong đó những gã khổng lồ khí nằm gần với ngôi sao mẹ hơn các hành tinh khí trong thế giới của chúng ta rất nhiều. Đó là một bí ẩn.
Để giải đáp, nhóm nghiên cứu đã xem xét lại mô hình Nice nổi tiếng (được phát triển ở Nice - Pháp), cho thấy có một sự bất ổn định giữa các hành tinh khí khổng lồ này, một tập hợp hỗn loạn của các tương tác hấp dẫn mà trong đó sự xuất hiện của 5 hành tinh khí khổng lồ mới là đủ, thay vì 4 như những gì chúng ta đã biết.
Bằng chứng mới hơn, vừa công bố trên Nature, dựa trên những dữ liệu được tìm thấy trong đá mặt trăng, đã cho thấy những dữ liệu quý giá về khu vực "hệ Mặt Trời phía trong" là nơi các hành tinh đá Sao Thủy, Sao Kim, Trái Đất và Sao Hỏa trú ngụ.
Kết quả cho thấy chính sự bốc hơi nhanh chóng của đĩa tiền hành tinh đã đẩy những gã khổng lồ khí - ban đầu vốn quay rất gần Mặt Trời - ra rất xa. Quá trình này diễn ra khi Mặt Trời non "trưởng thành", bùng sáng và bắt đầu đốt cháy nhiên liệu hạt nhân, làm nóng đĩa tiền hành tinh và thổi bay nó từ trong ra ngoài, đẩy các gã khổng lồ đi xa.
Dựa trên các mô hình quỹ đạo và tương tác giữa các hành tinh khí khổng lồ hiện tại, rất có thể có tới 5 hành tinh khí khổng lồ trong giai đoạn xảy ra sự hỗn loạn xa xưa đó. Nhưng đến nay, có thể chỉ còn có 4 vì cú đẩy mạnh của Mặt Trời đã khiến hành tinh thứ chín, là cái ngoài cùng, bị... hất văng khỏi hệ Mặt Trời.
Nhưng không loại trừ khả năng nó vẫn ở đó nhưng đã dừng lại ở một quỹ đạo quá xa xôi - cách Mặt Trời tận 50 tỉ dặm, như mô hình Nice nguyên thủy đã chỉ ra. Một số nghiên cứu trong vài năm gần đây cũng chỉ ra các tương tác bí ẩn mà các vật thể ở rìa hệ Mặt Trời đang gánh chịu, cho thấy phải có một thứ gì đó to lớn, có lực hấp dẫn mạnh lang thang ngoài vùng bóng tối.
Cú hất "tàn nhẫn" của hệ Mặt Trời đã tạo điều kiện cho một vùng yên bình được hình thành là "hệ Mặt Trời phía trong", nơi 4 hành tinh đá ra đời, trong đó có tới 3 cái thuộc vùng sự sống của hệ là Sao Kim, Trái Đất và Sao Hỏa.
Theo phó giáo sư Jacobson, họ không nhấn mạnh về hành tinh thứ 9 gây tranh cãi trong bài báo nhưng vẫn muốn nói với công chúng về nó, về các dữ liệu mới. Theo ông, nhân loại sẽ sớm có câu trả lời.
Đài quan sát Vera Rublin (đang được xây dựng ở Chile với nhiệm vụ chính là thực hiện "Cuộc khảo sát Di sản không - thời gian"), dự kiến hoạt động vào cuối năm 2023, được cho là đủ khả năng bắt được tín hiệu của hành tinh thứ chín nếu nó thực sự ở đó.