Anh quyết xây nhà máy điện không gian giữa khủng hoảng năng lượng vì xung đột Nga-Ukraine

Nếu được xây dựng thành công, nhà máy điện không gian đầu tiên trên thế giới này không chỉ hứa hẹn "giải quyết các vấn đề năng lượng" của Anh mà thậm chí cho phép nước này xuất khẩu nguồn cung dư thừa, kiếm bộn tiền, theo Express.
Chia sẻ

Theo tờ báo Express của Anh, sáng kiến Năng lượng Không gian (SEI) - một dự án mới thú vị, đầy tham vọng đã đặt nền móng cho Anh để xây dựng nhà máy điện đầu tiên trong không gian vào năm 2035.

Theo đó, nhà máy điện sẽ được tạo thành từ các vệ tinh với các tấm pin mặt trời nhẹ và một hệ thống gương để tập trung ánh sáng mặt trời vào các tấm pin, tạo ra khoảng 3,4 GW điện trên vệ tinh.

Anh quyết xây nhà máy điện không gian giữa khủng hoảng năng lượng vì xung đột Nga-Ukraine - 1

Đến giữa những năm 2040, công suất điện tạo ra từ trạm vũ trụ có thể đạt 30GW, chiếm tới 30% nhu cầu điện của Vương quốc Anh.

Mark Garnier, Nghị sĩ Đảng Bảo thủ kiêm Chủ tịch Hội đồng cố vấn của SEI cho biết dự án này là lời giải cho “các vấn đề năng lượng” của Vương quốc Anh, với tiềm năng xuất khẩu rất lớn.

“Điều tuyệt vời về dự án này là nó sẽ hoạt động liên tục và có thể tái tạo, vì vậy, trong 24 giờ một ngày nhà máy điện sẽ cung cấp nguồn điện cơ bản đáng kể. Điều này làm cho nhà máy điện không gian đáng tin cậy hơn nhiều so với các năng lượng tái tạo khác như gió và năng lượng mặt trời trên mặt đất, và thậm chí, nó còn không tốn đất (để xây dựng nhà máy)", ông Garnier nhấn mạnh.

"Do đó, tin tốt là nó sẽ giải quyết các vấn đề năng lượng của Vương quốc Anh", ông Garnier tuyên bố.

Anh quyết xây nhà máy điện không gian giữa khủng hoảng năng lượng vì xung đột Nga-Ukraine - 2

Nhà máy điện trong không gian được cho là còn mang đến nhiều lợi ích hơn so với các năng lượng tái tạo khác như gió và năng lượng mặt trời trên mặt đất. Ảnh Express

Dự án được đưa ra trong bối cảnh Vương quốc Anh đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng năng lượng do giá khí đốt tăng vọt trong bối cảnh nguồn cung từ Nga bị cắt giảm liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine.

Anh hiện chỉ nhận được 5% khí đốt từ Nga và giữa một thị trường quốc tế đầy biến động gây ra cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu, Anh buộc phải đưa ra một chiến lược năng lượng mới.

Được công bố vào đầu tháng này, Chính phủ đã nhấn mạnh rằng họ có mục tiêu "giành lại quyền kiểm soát" về vấn đề năng lượng. Và trong tương lai, SEI được kỳ vọng có thể giúp nước này làm được điều đó.

Điều đặc biệt là, sáng kiến SEI không chỉ có thể thúc đẩy an ninh năng lượng ở Anh, mà ông Garnier còn tin rằng, Vương quốc Anh có thể thu được lợi nhuận đáng kể từ việc xuất khẩu công nghệ và năng lượng dư thừa mà SEI sẽ sản xuất được ra nước ngoài.