Một số người cho rằng đeo tai nghe khi đi ngủ giúp họ thư giãn và dễ dàng chìm vào giấc ngủ. Bởi vì họ sẽ tránh được tiếng ồn từ môi trường bên ngoài, nghe các âm thanh dễ chịu như âm thành trắng và từ đó ngủ sâu hơn. Tuy nhiên, thực tế thì đeo tai nghe khi đi ngủ hại vô cùng. Dưới đây là lý do vì sao tuyệt đối không nên đeo tai nghe khi đi ngủ.
Bị điếc vì đeo tai nghe khi ngủ
Cách đây không lâu, một cô gái tên Wang sống tại Sơn Đông, Trung Quốc bỗng phát hiện ra mình có vấn đề về thính giác. Trong các cuộc họp, cô Wang không thể nghe được cấp trên đang nói gì với mình. Sau đó, cô đi khám tai và nhận về kết quả ngỡ ngàng từ bác sĩ. Theo đó, cô Wang bị tổn thương thần kinh thính giác vĩnh viễn ở tai trái.
Lúc này, cô Wang cho biết bản thân không sống trong môi trường có tiếng ồn lớn trong thời gian dài. Nhưng cô có một thói quen là nghe nhạc bằng tai nghe mỗi tối. Cô còn nói thêm rằng mình thích ngủ khi đang nghe nhạc và đeo tai nghe mỗi tối. Đây là thói quen đã duy trì được khoảng 2 năm.
Cuối cùng, cô Wang khá may mắn khi tình trạng tai của cô chỉ bị ảnh hưởng 1 bên tai trái. Sau đó, cô có thể đeo máy trợ thính để nghe được bình thường.
Không riêng trường hợp trên, Tiểu Húc (22 tuổi, Giang Tô, Trung Quốc) đang là sinh viên và làm thêm công việc telesales cũng gặp tình trạng tương tự. Là người thích nghe nhạc và yêu cầu của công việc khiến tai nghe luôn trên tai của anh chàng, kể cả khi đi ngủ. Tuy nhiên một buổi sáng bình thường thức dây thì anh chàng không thể nghe được 1 bên tai. Bên còn lại thì nghe tiếng rất nhỏ và lẫn nhiều tạp âm như một đàn ong đang kêu vo ve.
Sau đó, Tiểu Húc đến bệnh viện và nhận về kết quả chẩn đoán là tình trạng điếc đột ngột.
Điếc đột ngột chỉ tình trạng giảm sức nghe ít nhất 30 decibel ở ít nhất 3 tần số liên tiếp xảy ra trong vòng 72 giờ, thường xảy ra ở một bên tai, các dấu hiệu thường rõ ràng nhất vào buổi sáng sau khi thức dậy. Bệnh xảy ra khi có tổn thương tai trong, thần kinh thính giác hoặc trung tâm thính giác ở não.
Những người bị điếc đột ngột thường phát hiện mất thính giác khi thức dậy vào buổi sáng, có những người phát hiện ra giảm thính lực đột ngột khi đang cố gắng nghe gì đó, chẳng hạn như khi đang sử dụng điện thoại, thậm chí có những trường hợp ngược lại, người bệnh nghe thấy tiếng ồn ào ngay trước khi thính giác của họ biến mất.
Người bị điếc đột ngột cũng có thể nhận thấy một hoặc nhiều triệu chứng như: cảm giác đầy tai, chóng mặt và/hoặc ù tai….
Phía trên là 2 trường hợp bị ảnh hưởng thính giác nghiêm trọng bởi thói quen đeo tai nghe lâu dài, đặc biệt là đeo tai nghe khi đi ngủ.
Dùng tai nghe thế nào để không hại sức khỏe?
Tai nghe là thiết bị hữu ích nhưng nếu dùng nó sai cách và thiếu kiến thức rất có thể dẫn đến hậu quả khôn lường. Theo các chuyên gia, người dùng nên lựa chọn các loại tai nghe, headphone có đệm, sở hữu cơ chế thoát âm sẽ an toàn hơn cho tai. Ngược lại, tai nghe dạng earbuds rất nguy hiểm khi chúng không cho âm thanh thoát ra ngoài.
Người dùng tuyệt đối không sử dụng các loại tai nghe khi ngủ. Nên để tai nghỉ ngơi khoảng 10 phút sau 50 phút sử dụng tai nghe.
Ngoài ra, một nguyên tác 60-60-60 cho tai cũng được khuyến cáo rộng rãi tại Trung Quốc.
Nguyên tắc 60-60-60:
- Không để tai tiếp xúc với âm thanh vượt quá 60 decibel trong thời gian dài
- Không đeo tai nghe hoặc nghe nhạc lớn quá 60 phút
- Giữ âm lượng dưới 60%.