Trong những tháng đã qua của năm 2022, việc Trung Quốc tiếp tục áp dụng chính sách Zero-COVID kết hợp với cuộc xung đột Nga - Ukraine đã làm chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Một số linh kiện sản xuất đồ điện tử bị thiếu hụt, khiến các “ông lớn” trong ngành công nghệ phải sản xuất cầm chừng. Trong khi đó, lực cầu mua sắm các sản phẩm điện tử cũng đang sụt giảm nghiêm trọng, do yếu tố suy thoái kinh tế.
Có thể nhìn thấy rất rõ vào cuối tháng 10 - đầu tháng 11/2022, một trong những nhà máy sản xuất iPhone lớn nhất thế giới nằm ở thành phố Trịnh Châu, Trung Quốc bị phong tỏa đã dẫn đến việc các mẫu iPhone 14 series khan hàng trên quy mô toàn cầu. Hay như đại diện nhà phân phối Anker tại Việt Nam từng cho biết, nhiều linh phụ kiện thay thế cho robot hút bụi của hãng phải ở trạng thái "hết hàng" trong nhiều tháng liên tục vì thiếu nguồn cung.
Trong một báo cáo mới đây của Tổng cục Thống kê Việt Nam (GSO), tổng sản lượng điện thoại thông minh của 11 tháng đầu năm giảm xuống còn 6,1%, khiến giá trị xuất khẩu loại mặt hàng này của Việt Nam trong tháng 11 đã giảm 1% so với tháng trước và giảm 0,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Dữ liệu của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, hạng mục sản xuất điện tử tiêu dùng rộng hơn đã giảm gần 20% trong năm vào tháng 11, với sản lượng hàng tháng đã giảm tháng thứ ba liên tiếp.
Nguyên nhân của sự sụt giảm này phần lớn là do Samsung - nhà sản xuất lớn nhất của đất nước đã cắt giảm việc sản xuất và xuất khẩu điện thoại thông minh tại Việt Nam trong tháng 11, ngay trước mùa cao điểm bán hàng dịp Giáng sinh. Đây là một dấu hiệu mới cho thấy “gã khổng lồ” Hàn Quốc đang buộc phải thích nghi với sự suy giảm nhu cầu toàn cầu.
Trước đó, suốt nhiều năm lièn, “gã khổng lồ” điện tử Hàn Quốc đã sản xuất khoảng hơn một nửa số điện thoại thông minh của mình tại Việt Nam và chiếm gần 1/5 tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Nhưng gần đây, bối cảnh điều kiện kinh tế không thuận lợi, lạm phát, lãi suất cao và cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine, ban lãnh đạo Samsung đã có động thái điều chỉnh kế hoạch sản xuất từ 334 triệu sản phẩm trong năm 2022 xuống còn 270 triệu sản phẩm. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc công ty tiếp tục cắt giảm sản lượng điện thoại thông minh tại Việt Nam lần thứ hai trong năm nay.
Theo hãng thông tấn Reuters, hầu hết các điện thoại thông minh được sản xuất tại Việt Nam đều dành cho thị trường phương Tây. Theo thông lệ, sản lượng các sản phẩm này thường tăng trong những tuần trước Giáng sinh. Nhưng năm nay, kỳ vọng về nhu cầu của người tiêu dùng thấp hơn, đã buộc các công ty hạn chế sản xuất.
Ông Nguyễn Lạc Huy - Giám đốc truyền thông chuỗi cửa hàng CellphoneS dự báo, thị trường đồ điện tử toàn cầu trong năm 2023 thậm chí sẽ còn khó khăn hơn nhiều so với năm 2022. Bởi ảnh hưởng của quá trình suy giảm kinh tế tiếp tục lan sang năm 2023 và ảnh hưởng tới ngành.
Một số ý kiến cho rằng, trong năm 2023, Trung Quốc sẽ sớm mở cửa và sẽ giúp thị trường đồ điện tử có bước hồi phục. Thế nhưng ông Huy cho rằng, ngay cả khi Trung Quốc mở cửa thì triển vọng hồi phục của nhóm ngành này vẫn rất mong manh.
"Trung Quốc không chỉ gặp khó khăn trong vấn đề phòng chống dịch bệnh. Các chuyên gia làm việc tại quốc gia này đã chỉ ra rằng, kinh tế Trung Quốc đang đối mặt với rất nhiều khó khăn liên quan tới bất động sản, tỉ lệ sinh và khó khăn trong sản xuất", ông Huy phân tích.
Trong 3 năm thực hiện Zero-COVID, nền kinh tế Trung Quốc còn đối mặt với tỉ lệ thất nghiệp gia tăng, nhiều công ty lớn phải cắt giảm nhân sự, sa thải một lượng lớn lao động. Vì vậy, có thể phải đến hết năm 2023, thị trường đồ điện tử mới bắt đầu trở lại bình thường.
Dù vậy, ông Huy kỳ vọng, bước sang quý III/2023, kinh tế toàn cầu có thể sẽ thoát khỏi giai đoạn khó khăn như và nhu cầu mua sắm đồ điện tử sẽ tăng trở lại. Từ đó sẽ tạo ra một lực đẩy cho ngành hàng này tăng trưởng trở lại.