Đối tác lắp ráp lớn nhất của iPhone xây nhà máy ở Nghệ An

Foxconn, đối tác lắp ráp lớn nhất của iPhone, đang mở rộng sản xuất tại Ấn Độ và Việt Nam. Động thái trên khiến những người làm việc trong các nhà máy Apple ở Trung Quốc đặc biệt lo lắng.

Theo Apple Insider, là một đối tác trong chuỗi cung ứng toàn cầu, Foxconn có cơ sở ở Trung Quốc và các khu vực sản xuất khác, với nhiều cơ sở cung cấp vật liệu lắp ráp iPhone của Apple. Nguồn tin tiết lộ Foxconn đang mở rộng quy mô, mua đất ở nhiều quốc gia để mở rộng quá trình, phạm vi sản xuất.

Theo AFP, trong tuyên bố gửi tới Sở giao dịch chứng khoán London, Anh, Foxconn mua lại một lô đất rộng 1,2 triệu m2 ở Devanahalli, nằm gần sân bay của trung tâm công nghệ Bengaluru, Ấn Độ với giá 37 triệu USD.

Đối tác lắp ráp lớn nhất của iPhone xây nhà máy ở Nghệ An - Ảnh 1.

Foxconn đang mở rộng đầu tư ở nhiều nước ngoài Trung Quốc

Trong khi đó tại Việt Nam, một đơn vị khác của công ty cũng tiến hành mua lô đất có kích thước khoảng 480.000 mét vuông tại Nghệ An. Việc mở rộng diễn ra nhanh chóng ở cả hai quốc gia, tuân theo các kế hoạch cơ sở có giá trị cao được báo cáo trước đó.

Vào tháng 3, có thông tin cho rằng Foxconn muốn đầu tư khoảng 700 triệu USD vào một nhà máy mới để tăng sản lượng linh kiện iPhone. Tại Việt Nam vào tháng 2, họ đã ký hợp đồng với Công ty Khu công nghiệp Sài Gòn - Bắc Giang, thuê khu đất rộng 445.000 m2 đến năm 2057 với giá 62,5 triệu USD.

Tin tức mở rộng thị trường sản xuất xuất hiện sau khi Chủ tịch Young Liu của Foxconn đảm bảo với nhân viên tại nhà máy ở Thành Đô, Trung Quốc rằng đây là cơ sở sản xuất quan trọng và tồn tại trong một thời gian khá dài.

Tất cả đều bất chấp việc Apple đa dạng hóa sản xuất bằng cách chuyển một số bộ phận ra khỏi Trung Quốc và sang các nước khác, chẳng hạn như Ấn Độ và Việt Nam.

Theo Apple Insider, đại dịch COVID-19 và cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung khiến Apple phải xem xét hoạt động sản xuất tập trung ở Trung Quốc. Bằng cách mở rộng sản xuất ở một số nước ngoài Trung Quốc, Apple có thể hạn chế rủi ro. Động thái trên gây lo ngại cho một số bên, nhất là từ những người làm việc trong các nhà máy liên quan đến Apple ở Trung Quốc.