Ứng dụng Bluezone đã ra mắt cách đây vài tháng, nhưng phải đến gần đây mới thực sự được để ý sau khi có thông báo yêu cầu người dân Đà Nẵng cài đặt lên điện thoại.
Tuy nhiên, hiện tại thì không chỉ ở Đà Nẵng mà các thành phố, địa điểm khác cũng được khuyến cáo nên sử dụng ngay để phòng tránh và phát hiện lây lan nhanh chóng, dễ dàng hơn.
Ứng dụng Bluezone được Bộ TT&TT và Bộ Y Tế khuyến nghị sử dụng.
Cài đặt và đăng ký
Để cài đặt ứng dụng Bluezone, bạn cần chiếc điện thoại Android hoặc iOS. Sau đó, truy cập vào cửa hàng ứng dụng và tìm với từ khóa Bluezone rồi bấm tải về.
Các bước đăng ký cũng được tối giản hóa để ai cũng dùng được ngay. Chỉ đơn giản là nhập số điện thoại đang sử dụng vào, đợi tin nhắn mã code gửi về, nhập mã code vào ứng dụng là sẽ chuyển sang bước quét ngay.
Chỉ có 2 tính năng
Ứng dụng Bluezone có 4 tab phía dưới, nhưng chỉ có tab trang chủ là có ích và cần quan tâm. Tại đây, bạn sẽ thấy thông tin chính về ứng dụng, nút đổi ngôn ngữ sang tiếng Anh, số người đang sử dụng Bluezone xung quanh và lịch sử tiếp xúc theo ngày.
Giao diện đơn giản, dễ dùng, phù hợp với cả người lớn tuổi.
Ngoài ra, tab Thông báo chỉ hiển thị mỗi một dòng là “Bạn đã cập nhật thành công số điện thoại” chứ không có tin tức gì về tình hình dịch bệnh như tưởng tượng. Tab Mời cho phép bạn chia sẻ link tải ứng dụng qua tin nhắn, email, các ứng dụng khác… Cuối cùng là tab Giới thiệu gồm các thông tin, chi tiết và liên hệ với đội ngũ phát triển ứng dụng.
Hiệu quả đến đâu?
Thử nghiệm mở Bluezone ở một số địa điểm (phố Tô Vĩnh Diện, Trương Định…) ở Hà Nội đều trả về kết quả số người dùng bằng 0. Khả năng cao lý do là vì hiện số lượng người sử dụng vẫn còn là quá ít, hoặc tải về rồi nhưng lại tắt Bluetooth/GPS đi nên ứng dụng không nhận diện được. Chuyển sang xem số lượng người dùng ở xa cũng không thấy có ai.
Sử dụng đã vài ngày nhưng kết quả trả về luôn bằng 0. Đây mới là số lượng người sử dụng Bluezone chứ không phải số người tiếp xúc với bệnh nhân F0.
Nếu đi đến vùng tiếp xúc gần với bệnh nhân F0, ứng dụng sẽ gửi ngay thông báo về máy và cho các bộ ngành liên quan để có phương án giải quyết.
Ngay cả ở Đà Nẵng - tâm dịch hiện tại cũng vậy, chúng tôi thử mở ra và bấm Quét xung quanh vài lần nhưng kết quả vẫn là những số 0 tròn trĩnh, dù ở xa hay ở gần.
Sự thật là độ hiệu quả của Bluezone tới đâu, về cơ bản vẫn là dựa vào số lượng người dùng của nó. Mà nếu chẳng có ai sử dụng thế này thì ứng dụng này đúng là không có tác dụng gì cả.
Quét được người dùng ở gần có vẻ vẫn là "của hiếm" trên Bluezone, chẳng bù cho Zalo.
Không rõ đây là lỗi tạm thời của ứng dụng, hay thật sự không có ai dùng. Trong khi đó, trên chợ ứng dụng của Android, số lượng lượt tải về Bluezone đã lên tới hơn 500.000 và có tới 3.000 lượt đánh giá.
Có những vấn đề gì cần quan tâm khi dùng Bluezone?
Ứng dụng yêu cầu cấp quyền sử dụng Bluetooth và GPS cùng lúc để quét được người dùng xung quanh. Điều này khiến pin điện thoại giảm đáng kể, nhất là khi bật GPS liên tục.
Bluezone hứa hẹn ứng dụng này không tốn nhiều pin. Điều này là đúng. Kể cả cho chạy nền cả ngày thì Bluezone chỉ tốn khoảng 5-10% pin là nhiều. Phần pin bị hao thực tế là ở kết nối GPS, có thể lên tới 20-30% hoặc hơn tùy địa điểm sử dụng và thiết bị
Ứng dụng chạy nền 3,5h nhưng chỉ tốn 0,5% pin. Sử dụng trên Galaxy S20 Ultra, bật chế độ pin tối ưu.
Bluezone giải thích rằng ứng dụng thực ra chỉ cần dùng Bluetooth Low Energy để hoạt động nhưng vẫn phải bật cả GPS, vì đây là điều khoản bắt buộc từ phía Google chứ không phải để theo dõi vị trí của người dùng.
Nếu bệnh nhân F0 không sử dụng Bluezone từ trước thì khả năng phát hiện tiếp xúc bằng 0. Tức là ở trường hợp này, Bluezone hoàn toàn vô dụng.
Đây là cách hoạt động của Bluezone trong điều kiện lý tưởng, khi mà ai ai cũng cài đặt và sử dụng.
Vì thế, hiệu quả của Bluezone cao hay thấp, hoàn toàn phụ thuộc vào chính chúng ta. Càng nhiều người sử dụng Bluezone ngay từ bây giờ thì khả năng phát hiện tiếp xúc càng cao. Ngoài ra, những thông tin này cũng sẽ giúp Bộ Y Tế và Chính Phủ dễ dàng kiểm soát được tình hình dịch bệnh và đưa ra phương án xử lý phù hợp.