Để chuẩn bị cho học kỳ mùa xuân năm 2023, giáo sư Winnie Song của Đại học New York đã làm một việc mà cô chưa từng phải làm trước đây: ban hành quy định về việc sử dụng công cụ trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence - AI) trong lớp học.
Song, giáo sư nghệ thuật tại Trường Nghệ thuật Tisch của Đại học New York, không phải là giảng viên nghệ thuật duy nhất nghĩ về điều này.
Với sự gia tăng nhanh chóng của các công cụ đồ họa tự động như Stable Diffusion, Midjourney và DALL-E 2 trong vài năm qua, các giảng viên vừa học hỏi, thích ứng với sự phức tạp và thay đổi không ngừng của AI, vừa phải truyền đạt và hướng dẫn học sinh hiểu về các công cụ kỹ thuật số này.
“Tôi lo là học viên sẽ dùng công cụ AI để nhờ vẽ hộ mood board (bảng ý tưởng thiết kế). Vì vậy, tôi giới hạn và không cho phép học sinh dùng trong lớp học của mình. Tôi chưa bao giờ tưởng tượng một ngày công cụ AI được hợp pháp hóa, và mọi người sẽ hành nghề với công cụ này”, Song cho hay.
Sự “tung hoành” của AI
Nghệ thuật (tranh vẽ, tác phẩm) do AI thiết kế tràn ngập trên internet kể từ khi người dùng bắt đầu tạo ra những hình ảnh phức tạp chỉ bằng từ khóa hoặc những bức ảnh tự sướng đơn giản. Thậm chí, họ chỉ cần vẽ minh họa vài nét bút là các công cụ AI sẽ cho ra một bức ảnh sắc nét, hoàn chỉnh và kỳ công.
Tất nhiên, AI không thể tự động vẽ mà thiếu đi “dữ liệu đầu vào”. Cách hoạt động của công cụ về cơ bản là phân tích hàng triệu tác phẩm nghệ thuật gốc của giới nghệ sĩ trên toàn thế giới, sau đó học hỏi và đem về làm “của riêng”. Vì vậy mà một số bức ảnh AI xuất ra sẽ có nét vẽ đặc trưng của tác giả này hoặc cách phối màu giống với tác giả kia.
Các công cụ này vấp phải phản ứng dữ dội từ giới nghệ sĩ. Họ phản đối và buộc tội AI khi tự ý lấy đi các tác phẩm gốc mà không được tác giả cho phép.
Nhưng trong khi sự gia tăng của AI đang đặt ra nhiều câu hỏi về bản chất của nghệ thuật và quá trình sáng tạo, thì nó cũng gây khó dễ cho người làm nghề giáo dục trong lĩnh vực nghệ thuật. Họ muốn học viên phát triển các kỹ năng vượt ra ngoài việc gõ một từ khóa đơn giản.
Cô Song mong muốn dạy cho học sinh khả năng độc lập, không phụ thuộc vào một công cụ duy nhất. Tuy nhiên, dạy học sinh về AI vẫn là điều cấp thiết trong thời đại ngày nay.
Giảng viên và học viên đau đầu để thích nghi
Dường như các hướng dẫn nghệ thuật AI chỉ đang được thực hiện theo cấp độ cá nhân, tùy thuộc vào giáo viên, chủ đề được dạy trong lớp chứ chưa ban hành rộng rãi tại khoa hoặc trường.
Mỗi giáo sư sẽ có một cách giới thiệu nghệ thuật AI khác nhau đến học viên. Doug Rosman, giảng viên khoa Nghiên cứu Nghệ thuật và Công nghệ tại Trường Học viện Nghệ thuật Chicago, cho phép sinh viên thoải mái khám phá công cụ AI trong lớp máy học (machine learning) của mình. Tuy nhiên, trong lớp thực hành chuyên nghiệp, một khóa học tập trung chuyên sâu về công việc và nghệ thuật, thì các cuộc thảo luận về AI lại khắt khe hơn nhiều.
Kurt Ralske, giáo sư truyền thông kỹ thuật số và trưởng khoa nghệ thuật truyền thông tại Trường Bảo tàng Mỹ thuật thuộc Đại học Tufts thì không quá rụt rè trước công cụ này: “Cá nhân tôi khuyến khích sinh viên khám phá AI. Các em nên biết các công cụ này là gì, tiềm năng của chúng đến đâu và các có thể phát triển ngôn ngữ, từ vựng cá nhân khi sử dụng chúng”.
Việc tìm hiểu cách thức hoạt động của các chương trình này và giúp sinh viên biết cách sử dụng, luôn đòi hỏi nhiều công sức và thời gian. Nếu một giáo viên, một người hướng dẫn chưa quen với công cụ máy học hoặc khoa học máy tính, thì họ thậm chí mất nhiều công sức hơn để điều hướng và nắm được thuật toán, phương thức hoạt động của AI.
“Dạy học rất khó. Có quá nhiều thứ phải làm, còn chúng tôi thì không được đền bù xứng đáng. Thật không công bằng khi dân công nghệ ở thung lũng Silicon liên tục ‘quăng’ ra các công cụ mới, còn người dạy chúng tôi phải tất bật chạy theo để nhặt nhạnh những mảnh ghép”, Rosman bức xúc.
Giảng viên không phải là những người duy nhất đang trăn trở thích ứng với công cụ trí tuệ nhân tạo. Chính các sinh viên ngành nghệ thuật cũng đang canh cánh nỗi sợ khi bước chân vào một thế giới nơi mà AI có khả năng đe dọa sự nghiệp của họ.
Marla Chinbat, một sinh viên nghệ thuật tại Đại học Illinois-Chicago, cho biết: “Tôi thấy quá chán với cách các nghệ sĩ đang tiếp nhận nền văn hóa siêu công nghệ”.
Ngay cả khi giảng viên không đưa nghệ thuật AI vào các lớp học, sinh viên vẫn suy nghĩ không ngừng về tầm ảnh hưởng của AI.
Susan Behrends Valenzuela, một sinh viên nghệ thuật tại NYU Steinhardt, cho biết chủ đề “AI làm nghệ thuật” chỉ mới xuất hiện một lần trong một lớp học của cô, nhưng cô ấy rất quan tâm và muốn thảo luận sâu hơn trong các lớp học khác. “Tôi ước gì chúng ta sẽ nói về nó nhiều hơn, và các giáo sư cũng cần học hỏi thêm về công cụ này”, Susan nói.
Song, Ralske, và Rosman đều cho biết họ không để học sinh nào sử dụng AI mà không biết rõ cách thức hoạt động của công cụ đó. Belland nói nếu một sinh viên lén sử dụng AI mà vẫn qua mặt được người hướng dẫn, thì sinh viên này cũng không qua mặt được cộng đồng nghệ sĩ ngoài kia. Hình thức đạo tác phẩm, ý tưởng của họ sẽ nhanh chóng bị phát hiện.