Facebook có nghe lén để quảng cáo: Chuyên gia an ninh mạng khẳng định "Không"

Bạn có bao giờ nghĩ rằng bị Facebook nghe lén chưa?

Chắc hẳn trong quá trình sử dụng smartphone, không ít lần bạn cảm thấy như mình đang bị chiếc điện thoại nghe lén, khi nội dung cuộc trò chuyện của bạn nhanh chóng bị biến thành quảng cáo trên các mạng xã hội. Tuy nhiên, theo một chuyên gia an ninh mạng, "chúng không nghe lén bạn".

Trong buổi phỏng vấn với trang PhoneArena, Jake Moore, cố vấn an ninh mạng cho công ty bảo mật ESET với kinh nghiệm hơn một thập kỷ làm việc với các mối đe dọa trực tuyến, cho biết: "Facebook, Meta, Instagram – họ không được phép nghe lén. Các ứng dụng này không có khả năng nghe lén […] Tôi chưa bao giờ thấy bất kỳ bằng chứng khoa học, xác thực nào cho thấy chúng đang lén nghe mọi cuộc trò chuyện."

Vậy tại sao chúng ta lại có cảm giác cuộc trò chuyện bị theo dõi?

‏Cần phải nói rõ là điện thoại thực sự có khả năng nghe. Đó là cách trợ lý giọng nói hoạt động. Nếu được phép, chúng có thể nghe các từ đánh thức như "Hey Siri" và "OK Google" và chuyển từ chế độ chờ sang hành động. Đó là một tính năng mà bạn chủ động đồng ý kích hoạt.‏

‏Điều mà điện thoại không được phép làm là chủ động và bí mật lắng nghe mọi điều chúng ta nói. Chúng không thể ghi lại các cuộc trò chuyện của chúng ta để phân phát quảng cáo dựa trên những gì chúng nghe được.‏

Facebook có nghe lén để quảng cáo: Chuyên gia an ninh mạng khẳng định Không - Ảnh 1.

Facebook có nghe lén người dùng?

‏Nhưng ngay cả khi không có khả năng này, Meta và Google cũng đã biết rất nhiều về chúng ta – nhiều hơn hầu hết những gì mọi người nhận ra. Họ biết tuổi tác, giới tính và tình trạng gia đình của chúng ta; họ biết chúng ta sống ở đâu và ghé thăm những địa điểm nào; họ biết chúng ta kết bạn với ai và quan tâm đến điều gì; họ biết chúng ta tìm kiếm gì, nội dung chúng ta xem, thương hiệu chúng ta mua, chủ đề chúng ta quan tâm.‏

‏Và những gã khổng lồ công nghệ rất giỏi trong việc kết nối các dữ liệu này lại với nhau và sau đó sử dụng để hiển thị quảng cáo cho chúng ta, những quảng cáo mà chúng ta có nhiều khả năng sẽ xem hoặc click vào‏.

‏Thêm vào đó là một loạt thành kiến và xu hướng mà tất cả chúng ta đều có, và công thức cho sự nghi ngờ bắt đầu hình thành.‏

Là do bộ não "giở trò"?

‏Có thể bạn đã từng mua một món đồ và sau đó chợt cảm thấy rằng mọi nơi mình đến đều có người sử dụng món hàng tương tự, nhưng đó là hành vi của não bộ báo hiệu cho biết bạn đang quan tâm đến một thứ gì đó.‏

‏Bạn hãy thử xem video thử nghiệm sự chú ý chọn lọc dưới đây, và đếm số lần quả bóng được chuyền tay.

‏Bạn có thấy người mặc đồ khỉ đột bước qua trong video không? Nhiều người không nhận ra điều đó.‏

‏Theo PhoneArena, bộ não nhiều khi có thể đánh lừa chúng ta. Tóm lại, bộ não của chúng ta có xu hướng chỉ tập trung vào những gì hiện tại, quan trọng và có thể có tác dụng ngay lập tức. Các thông tin khác được lọc qua vì việc tiếp nhận mọi thứ từ mọi nơi mọi lúc sẽ khiến bạn choáng ngợp. ‏

Điều này ảnh hưởng gì đến những quảng cáo mà ta nhận thấy?

‏Các nghiên cứu cho thấy chúng ta nói hàng nghìn từ mỗi ngày và chắc chắn trong số đó có những từ khóa có thể liên quan đến sản phẩm, dịch vụ hoặc doanh nghiệp được quảng cáo trực tuyến. Đồng thời, số lượng quảng cáo chúng ta nhận được hàng ngày lên tới hàng trăm. Do đó, nếu điện thoại đang lắng nghe chúng ta để phân phát quảng cáo, thì cũng hợp lý khi nghĩ rằng sẽ luôn có các quảng cáo đặc biệt hướng đến chúng ta.‏

‏Nhưng vấn đề mà mọi người không chú ý là vẫn còn hàng trăm trường hợp quảng cáo không khớp với những gì họ đã nói. Mặt khác, mọi người chỉ chú ý đến các kết quả trùng khớp, có thể là do nội dung trong quảng cáo đã xuất hiện trong tâm trí họ trước đó. Rốt thì dù sao họ cũng đã có một cuộc trò chuyện về nó.‏

Facebook có nghe lén để quảng cáo: Chuyên gia an ninh mạng khẳng định Không - Ảnh 3.

Việc các nền tảng mạng xã hội “nghe lén” đã trở thành một meme trên mạng

‏PhoneArena cho biết đôi khi, nó chỉ là sự kết hợp giữa các mẫu dữ liệu của Facebook và nền tảng tương tự. Hãy nhớ: Google và Meta biết nhiều về bạn và thói quen của bạn hơn bạn nghĩ – vì vậy, khi quảng cáo về một nhà hàng yêu thích xuất hiện ngay sau khi bạn đề cập đến nó, điều đó rất có thể là do bạn đã đến đó thường xuyên vào cùng thời gian đó trong ngày. Quảng cáo đó cũng sẽ hiện lên dù bạn có trò chuyện về nó hay không.‏

‏Facebook và Google đều đã từng thừa nhận lén nghe cuộc trò chuyện của người dùng, nhưng không phải ở mọi nơi. Facebook cho biết họ từng lưu lại bản ghi cuộc gọi Messenger, Google cũng thừa nhận có nghe lén cuộc trò chuyện qua trợ lý ảo. ‏

"Không. Chúng tôi hiểu rằng đôi khi quảng cáo có thể rất cụ thể, có vẻ như chúng tôi đã nghe cuộc trò chuyện của bạn qua micro nhưng thực tế không phải vậy. Chúng tôi chỉ sử dụng micro của bạn nếu bạn đã cho phép và đang sử dụng tính năng yêu cầu micro.", Facebook cho biết trên trang hỗ trợ của mình

‏Bạn có nghĩ Facebook và Google đang lắng nghe mình mọi lúc mọi nơi để hiển thị quảng cáo không?‏