Một tổ chức ở Na Uy vừa lên tiếng tố cáo Facebook và Google đang "thúc đẩy người dùng chia sẻ thông tin riêng tư" bằng cách đưa ra các lựa chọn sử dụng mạng mang tính xâm phạm và hạn chế.
Theo hãng tin AFP, Hội đồng Người tiêu dùng Na Uy đã xác định: các cập nhật riêng tư của Facebook và Google hiện nay không phù hợp với Quy định Bảo vệ Dữ liệu Chung (GDPR) mới của Liên minh châu Âu (EU), đã có hiệu lực từ tháng Năm. Bởi thế, căn cứ theo GDPR, các công ty phải giải thích rõ những lựa chọn mà người dùng có khi họ chia sẻ thông tin cá nhân.
“Những công ty này đang thao túng chúng ta để buộc ta phải chia sẻ thông tin cá nhân”. Finn Myrstad - giám đốc dịch vụ số của Hội đồng này đã phát biểu.
Và, “Điều này trái với mong đợi của người dùng và mục đích của quy định mới.”, ông nói thêm.
Facebook và Google lại bị tố thao túng người dùng. |
Thông tin phục vụ cho việc nghiên cứu của Hội đồng Người tiêu dùng Na Uy đã được thu thập từ giữa tháng 4 đến đầu tháng 6, vài tuần trước khi GDPR có hiệu lực. Nghiên cứu đã phát hiện ra cả Facebook và Google thường thiết lập mặc định là các lựa chọn ít riêng tư hơn, còn người dùng thì rất ít khi thay đổi các thiết lập này.
Các nhà nghiên cứu của Hội đồng này đã chỉ ra rằng, những lựa chọn có lợi cho sự riêng tư trên hai mạng này đòi hỏi nhiều thao tác hơn và chúng thường bị ẩn đi. “Trong nhiều trường hợp, các công ty che giấu việc người dùng có rất ít lựa chọn và việc chia sẻ dữ liệu đã được chấp nhận bằng sử dụng dịch vụ.”, các nhà nghiên cứu khẳng định.
Theo Myrstad, hành động của Facebook và Google đã thể hiện sự thiếu tôn trọng người dùng, xóa bỏ quan niệm cho người dùng kiểm soát dữ liệu cá nhân.
Cũng có liên quan đến quyền riêng tư, Facebook và Google cũng đã đối mặt với các cáo buộc khác dựa trên Quy định GDPR. Chẳng hạn tại Áo, một nhà vận động của nước này đã cáo buộc hai "gã khổng lồ internet" Facebook và Google đã buộc người dùng phải đồng ý cho hãng sử dụng thông tin cá nhân của chính họ.
GDPR là đợt chấn chỉnh quy định về dữ liệu người dùng lớn nhất của EU kể từ khi có sự xuất hiện của các trang website. Theo đó, các công ty vi phạm có thể bị phạt tới 20 triệu euro (khoảng 24 triệu USD) hoặc 4% doanh thu toàn cầu hàng năm nếu vi phạm GDPR dành cho thị trường 500 triệu người này.