Tại khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng, thị trường smartphone thống trị bởi Samsung và một số nhà sản xuất Trung Quốc. Giá rẻ, cấu hình tốt và chạy hệ điều hành Android quen thuộc là những điểm khiến người dùng chọn mua điện thoại từ những hãng này, chứ không phải iPhone.
Nhiều năm qua, các nhà sản xuất Việt Nam đã cố gắng đặt chân vào thị trường di động béo bở nhưng không mấy thành công khi sức ảnh hưởng từ các hãng điện thoại nước ngoài vẫn quá lớn. Tuy vậy, tập đoàn Vingroup "thuần Việt" lại lên kế hoạch giành lại thị phần di động từ những nhà sản xuất Trung Quốc. Với chiến thuật quen thuộc: cấu hình tốt và giá rẻ, nhãn hiệu Vsmart đã thành công nhờ cách tiếp thị mà không đối thủ Trung Quốc nào làm được. Đây là những ưu điểm đã được tờ Forbes chủ động khen ngợi trong bài viết phân tích mới nhất của mình.
Bước ngoặt của Vsmart
Tháng 2 vừa qua, Vsmart đã lập kỷ lục khi bán 12.000 mẫu điện thoại Joy 3 chỉ trong 14 giờ. Ông Trần Minh Trung, CEO Vsmart, cho rằng dấu mốc này có được là nhờ người dùng Việt Nam luôn yêu thích các tính năng nội địa.
"Dù Vsmart sử dụng hệ điều hành Android, phần mềm của chúng tôi được phát triển và tùy biến thành VOS với những tính năng dành riêng cho người dùng Việt Nam", ông nói. Những chiếc điện thoại này nhanh hơn các thiết bị Android thông thường và còn hỗ trợ dịch vụ nhắn tin, gọi điện miễn phí.
Vsmart Joy 3 là cú hích lớn của Vsmart đầu năm 2020.
Vsmart đã đạt 6% thị phần di động vào cuối năm 2019, thấp hơn người đi đầu Samsung với 32% và các các đối thủ Trung Quốc như Oppo (23), Vivo (11%) và Xiaomi (9%).
Sử dụng mạng lưới kết nối của Vingroup
Nhà phân thích Matthew Xie từ Canalys cho biết thị phần nội địa của Vsmart có thể đạt 85% trong năm nay, nếu công ty đẩy mạnh mảng bán hàng offline. Ông còn chỉ ra ở Việt Nam, 85% lượt mua hiện tại đều từ các địa điểm bán thiết bị trực tiếp.
Dịch Covid-19 bùng phát sẽ gây khó khăn cho quá trình vận chuyển, đồng nghĩa thị trường di động Việt Nam sẽ giảm từ 1% - 16% "do kênh nhập khẩu bị ảnh hưởng nghiêm trọng".
Tuy vậy, Vsmart vẫn có thể thúc đẩy các nhóm kinh doanh khác để phục vụ quá trình marketing. Vingroup vận hành một mạng lưới rộng khắp các trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, khu nghỉ dưỡng và bất động sản tại Việt Nam. Bằng chứng là công ty từng có chương trình tặng 100.000 điện thoại miễn phí cho các chủ căn hộ Vinhomes.
Giá càng thấp, thị phần càng cao
Giá cả là một yếu tố thúc đẩy khác. Dù nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh chóng từ năm 2012 và người dân có mức thu nhập ổn định, 67% thị phần điện thoại ở Việt Nam đều thuộc phân khúc phổ thông có giá dưới 200 USD. Nhà phân tích Matthew Xie cho biết: "Vsmart có thể từng bước nâng cấp các sản phẩm giá rẻ lên thiết bị cao cấp".
Vsmart Joy 3, chiếc điện thoại đình đám gần đây của hãng, có bộ vi xử lý Snapdragon 632, hệ thống 3 camera với mức giá chỉ dưới 100 USD. Trước đó, Vsmart cũng có những thiết bị giá rẻ với cấu hình tương đương các đối thủ Trung Quốc.
Vsmart cần phát triển mảng bán hàng trực tiếp để nâng cao thị phần.
"Vsmart phải sử dụng các chiến lược định giá để cạnh tranh", Lâm Nguyễn, giám đốc điều hành IDC Indochina tại TP.HCM, nói. Nhà sản xuất này đã tham gia cùng Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc "phổ cập" smartphone bằng cách bán điện thoại với giá chỉ 500.000, đổi lấy các gói di động và ứng dụng cài sẵn.
Quan hệ đối tác ngoài Vingroup
Theo ông Lâm, các mối quan hệ đối tác sẽ giúp Vsmart xây dựng một hệ sinh thái giữ chân khách hàng. Hệ thống này hoạt động dựa trên sự liên kết với các nhà mạng nội địa như Viettel.
"Hình thành một liên minh hợp tác và cùng xây dựng hệ sinh thái có thể giúp Vsmart vượt qua các đối thủ cạnh tranh", ông nói. "Tuy nhiên, nếu thực hiện không thành công có thể làm phản tác dụng".
TV chạy Android sẽ là dòng sản phẩm tiếp theo Vsmart tung ra thị trường.
CEO Trần Minh Trung cho biết Vsmart hiện mong muốn hợp tác chặt chẽ hơn với Google. Theo ông, cả hai công ty sẽ hợp tác đưa hệ điều hành Android vào các thiết bị điều khiển từ xa như hệ thống TV. Hiện tại, Vsmart cũng đã bắt đầu nghiên cứu và sản xuất TV của mình.
Theo Forbes