Gần 50% người dân Đức muốn đóng tài khoản mạng xã hội

Đây là kết quả của một cuộc khảo sát mới đây tại Đức sau vụ bê bối 50 triệu người dùng mạng xã hội Facebook bị đánh cắp thông tin cá nhân để phục vụ mục tiêu chính trị.
Tạp chí “Focus” của Đức vừa thực hiện một cuộc khảo sát nhanh về người dùng mạng xã hội tại nước này, kết quả cho thấy, có tới gần một nửa người dùng mạng tại Đức có ý định sẽ đóng tài khoản cá nhân trên các trang mạng xã hội, trong đó có Facebook, Twitter và Instagram.
 
Kết quả khảo sát cụ thể như sau: Có 53% người dùng mạng xã hội là nam giới muốn đóng các tài khoản cá nhân của mình trên các trang mạng xã hội, trong khi đó, tỷ lệ này ở người dùng là phụ nữ thấp hơn, với 44%. Nếu tính chung cho cả hai giới, hiện có tới gần 50% người dùng mạng tại quốc gia này dự định sẽ đóng tài khoản mạng xã hội mà hộ đang dùng.
Sau vụ bê bối 50 triệu người dùng mạng xã hội Facebook bị đánh cắp thông tin cá nhân, gần 50% người dùng mạng tại Đức muốn đóng tài khoản mạng xã hội.
Được biết, hiện ở Đức có khoảng 38 triệu người dân sử dụng các mạng xã hội, trong đó Whatsapp có tỷ lệ người dùng cao nhất - lên đến 79%, kế đến là Facebook - với 59%. Mạng xã hội Instagram chiếm 30% số người dùng, còn Twitter chỉ đứng thứ 5 về mức phổ biến người sử dụng mạng xã hội ở Đức, đứng sau cả YouTube và Snapchat. Con số này không thể hiện số người dùng riêng một mạng xã hội nào, bởi một người dùng có thể đồng thời đăng ký sử dụng nhiều mạng xã hội cùng một lúc.
 
Trong những ngày vừa qua, sau khi vụ bê bối thu thập và sử dụng trái phép dữ liệu của khoảng 50 triệu người dùng mạng xã hội Facebook do công ty phân tích dữ liệu của Anh Cambridge Analytica thực hiện, vấn đề bảo mật thông tin của người dùng đã được cộng đồng mạng cẩn trọng hơn. Cùng với đó là phong trào "tẩy chay" mạng xã hội Facebook, cũng như "đóng tài khoản mạng xã hội" - tức không dùng nữa, cũng gia tăng mạnh mẽ. 
 
Thế nên động thái muốn đóng tài khoản của gần 50% người dùng tại Đức hiện tại đã nói lên điều đó, và đây cũng được cho là một trong những động thái nhằm tự bảo vệ dữ liệu thông tin của mình của những người dân Đức.