Gần một nửa người dùng Việt "inbox" qua mạng xã hội để mua hàng

VTV.vn -Theo Meta, với gần 50% người tiêu dùng sử dụng MXH để khám phá các sản phẩm mới, Việt Nam là một trong các quốc gia dẫn đầu thế giới về các xu hướng "kinh doanh hội thoại".

Meta cho biết, trung bình cứ ba người tiêu dùng Việt thì sẽ có một người gửi tin nhắn cho doanh nghiệp hàng tuần.

"Việt Nam là một trong những thị trường dẫn đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng như trên toàn thế giới về kinh doanh hội thoại (Business Messaging), với 83% doanh nghiệp tiếp cận khách hàng tiềm năng từ quảng cáo Click đến Messenger", ông Dan Neary, Phó Chủ tịch khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Meta cho biết tại hội thảo Kinh doanh hội thoại - Business Messaging Summit 2024.

Cũng theo Meta, tại Việt Nam, gần 50% người tiêu dùng sử dụng các nền tảng mạng xã hội để khám phá sản phẩm và mua hàng.

Đặc biệt, có tới 45% người tiêu dùng nhắn tin trực tiếp cho doanh nghiệp để mua hàng và 62% tương tác với doanh nghiệp hàng tháng thông qua các ứng dụng nhắn tin. 76% khách hàng Gen Z sử dụng kinh doanh hội thoại (Business Messaging). Tỷ lệ này thậm chí còn cao hơn đối với Gen Y (86%) và Gen X (82%). Trong đó, Messenger là nền tảng phổ biến nhất với tỷ lệ sử dụng lên tới 60%.

Gần một nửa người dùng Việt inbox qua mạng xã hội để mua hàng - Ảnh 1.

Công cụ hỗ trợ kinh doanh qua Facebook Live

"Các doanh nghiệp, nhà bán hàng Việt Nam cho biết họ sử dụng Messenger không chỉ để bán hàng mà còn để chăm sóc khách hàng, đặc biệt là doanh nghiệp lớn.

Thực tế có nhiều doanh nghiệp đã tận dụng tốt kênh này để tìm kiếm đơn hàng ngàn USD, hoặc hợp đồng giá trị lớn như tư vấn giáo dục, hoặc giải pháp kinh doanh", ông Khôi Lê, Giám đốc quốc gia của Meta tại Việt Nam cho biết.

Tại hội thảo, Meta Việt Nam cũng cho biết, trong tuần này, Meta cung cấp thêm ba giải pháp mới trong kinh doanh hội thoại gồm: công cụ hỗ trợ kinh doanh qua Facebook Live; Tính năng khám phá sản phẩm trên Messager để trải nghiệm mua hàng gần giống với hình thức thương mại điện tử và giải pháp kinh doanh hội thoại ứng dụng AI- trí tuệ nhân tạo.

Các sản phẩm này giúp doanh nghiệp tại Việt Nam tận dụng tối đa các cuộc trò chuyện với khách hàng để chuyển đổi thành đơn hàng.

Gần một nửa người dùng Việt inbox qua mạng xã hội để mua hàng - Ảnh 2.

Ông Khôi Lê, Giám đốc quốc gia thị trường Việt Nam, Meta

Đối với hoạt động livestream (Facebook Live), ông Khôi cho hay đây không phải là tính năng mới nhưng được sử dụng để giới thiệu sản phẩm và mua bán sản phẩm phổ biến gần đây.

Trả lời câu hỏi của báo chí, ông Khôi Lê cho biết, đơn vị này luôn cam kết chấp hành các chuẩn mực kinh doanh và quy định hiện hành, quy định quảng cáo của nước sở tại.

"Đối với vấn đề thuế, mạng xã hội Facebook tuân thủ quy định của cơ quan nhà nước và rất hoan nghênh chỉ thị mới đây của Thủ tướng liên quan tới việc quản lý các phiên livestream, đặc biệt là thu thuế livestream. Chúng tôi liên tục kêu gọi các đối tác của mình phải tuân thủ nghĩa vụ nộp thuế của Việt Nam.

Đồng thời, nỗ lực kết hợp với đối tác của Meta hỗ trợ người dùng cuối - khách hàng. Meta không trực tiếp xử lí đơn hàng trên nền tảng mà thông qua các đối tác để thực hiện các vấn đề trong thương mại, trong đó bao gồm cả công tác quyền lợi người dùng"- ông Khôi nhấn mạnh.