Chỉ khoảng 5 phút sau khi bắt đầu video trực tiếp (còn gọi là livestream), một streamer nổi tiếng của Trung Quốc, tài khoản Xin Ba, đã bán được 42,5 triệu bộ sản phẩm dưỡng da Whoo Korean, mang lại doanh thu lên đến 400 triệu nhân dân tệ (tương đương 57 triệu USD) vào ngày lễ độc thân 11/11. Đây là thông tin được công bố chính thức bởi Kuaishou, nền tảng chia sẻ video được hậu thuẫn bởi Tencent, một gã khổng lồ công nghệ của Trung Quốc.
Đối với nhiều người Trung Quốc, đó chính là “giấc mơ đổi đời” sau một đêm và chính sự phát triển của xã hội di động ngày nay đã tạo cơ hội cho họ có thể hiện thực hóa giấc mơ. Với các thương hiệu nổi tiếng toàn cầu, những nhân vật “nổi như cồn” trên mạng internet, hay còn gọi là KOL (những người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội), trở thành kênh quảng bá vô cùng hiệu quả, thông qua đó, các nhãn hàng sẽ có cơ hội tiếp cận với hàng trăm triệu người tiêu dùng Trung Quốc.
Austin Li Jiaqi, 27 tuổi, đang là một trong những blogger về sắc đẹp có sức hút nhất tại Trung Quốc. Ảnh: Getty Images.
Xin tên đầy đủ là Xin Youzhin, xuất thân trong một gia đình làm nông. Quan điểm bán hàng của anh là chất lượng sản phẩm phải đi đôi với giá trị đồng tiền khách hàng bỏ ra. Kỹ năng giao tiếp của anh được coi là đặc điểm tiêu biểu của con người đông bắc Trung Quốc. Khu vực này vốn rất nổi tiếng bởi là quê hương của rất nhiều diễn viên, nhân vật giải trí - những người sở hữu tốc độ nói khá nhanh. Nền kinh tế tại đây đang “vật lộn” với sự quá tải công nghiệp.
“Những con người vùng đông bắc có thiên hướng cởi mở hơn với khả năng tạo giao tiếp ứng biến linh hoạt, do đó những nội dung mà họ tạo ra rất hấp dẫn người xem trên phạm vi toàn quốc, ngay cả những người gốc miền nam”, theo Hao Wu, đạo diễn bộ phim tài liệu với chủ đề về cuộc sống của các streamer Trung Quốc, được phát hành năm 2018 với tên gọi People’s Republic of Desire.
Vào những ngày đầu của trào lưu livestream, vùng đông bắc Trung Quốc được coi là một “cái nôi” của các streamer. Nhiều người xem sẵn sàng ủng hộ họ thông qua những món quà bằng tiền ảo.
Trên thực tế, ba tỉnh thuộc vùng đông bắc sở hữu số lượng streamer chuyên nghiệp cao nhất Trung Quốc, chỉ tính đến năm 2018, theo thông tin công bố bởi nền tảng mạng xã hội Momo. Dẫn chứng những số liệu chính thức, báo cáo trên cho biết chỉ tính đến giữa năm 2018, Trung Quốc có đến hơn 425 triệu streamer.
Và "miếng bánh” này ngày càng phình to.
Austin Li Jiaqi, 27 tuổi, đang là một trong những blogger về sắc đẹp có sức hút nhất tại Trung Quốc. Ảnh: Getty Images.
Đối với những tài khoản Kuaishou có trên 1 triệu người theo dõi, khối lượng giao dịch thông qua các tài khoản này đã tăng gấp 9 lần, trong khi các tài khoản có trung bình khoảng 200.000 người theo dõi, con số này thậm chí còn cao hơn: 34 lần, Wang Yulin, CEO của Mockuai, một đối tác của Kuaishou, phát biểu tại hội nghị tổ chức tại thủ đô Bắc Kinh, ngày 17/12/2019.
Một đại diện đến từ Kuaishou nhấn mạnh đó chỉ là những thống kê của các bên thứ 3 và không chia sẻ gì thêm về những đồn đoán nói rằng công ty này đang có ý định IPO tại Mỹ vào năm 2021 với giá trị định giá ít nhất 25 tỷ USD.
Nâng rào cản gia nhập
Với những kết quả tích cực mang lại, ngay cả những thương hiệu ít tên tuổi hơn cũng tìm đến sự giúp sức từ các KOL. Tuy nhiên, hình thức bán hàng trực tuyến này vẫn hoàn toàn bị áp đảo bởi những cái tên lớn, và nhu cầu về sự chuyên nghiệp hóa cũng ngày càng cao hơn.
Khoảng một năm về trước, các video được sáng tạo ra bởi một người dùng có thể dễ dàng gia tăng sức hút từ người xem, nhưng giờ đây, người đó cần phải có sự giúp sức đắc lực từ một đội ngũ hậu đài đông đảo, theo Kelvin Zhao, người đã có 4 năm thâm niên làm việc cho một công ty sáng tạo nội dung có tiếng tại Bắc Kinh.
“Đối với những cá nhân riêng rẽ, thời hoàng kim của họ đã chấm dứt rồi”, Zhao cho biết. Anh nhấn mạnh rằng, chi phí để tạo ra một đoạn video livestream lan truyền tốt trên mạng thậm chí ngang bằng hoặc cao hơn so với chi phí làm một bộ phim phát sóng trực tuyến.
“Sẽ khó khăn hơn để có thể nổi bật, nhưng không phải là không thể. Nhưng khoản đầu tư vào các sản phẩm của bạn chắc chắn sẽ cao hơn nhiều”.
Theo báo cáo công bố trong tháng 3/2019 từ TopKlout, một công ty nghiên cứu thị trường, hiện có ít nhất 5.000 công ty quảng cáo sở hữu nhiều mạng lưới quảng bá đa kênh, những đơn vị đang làm công việc kết nối các KOL với các nhãn hàng, và đôi khi là hỗ trợ họ trong quá trình sản xuất nội dung.
Pedro Yip, một đối tác bán lẻ tại công ty tư vấn Oliver Wyman, cho biết các đơn vị trung gian có thể thu về từ 10% đến 25% tiền hoa hồng, trong đó đó bao gồm cả tiền để trả cho các KOL.
“Thu nhập của các KOL sẽ phụ thuộc nhiều vào độ phổ biến của người đó trên thị trường”, ông cho biết. “Thường thì mức giá có thể tăng theo cấp số nhân”.
Liệu livestream có tồn tại mãi mãi?
Ngay cả đối với những người có chỗ đứng vững chắc, sự bất ổn trong công việc vẫn luôn duy trì ở mức tương đối cao.
Đã 5 năm kể từ khi Wu bắt đầu theo sát một vài streamer nhằm thu thập tư liệu cho bộ phim của mình, ông cho biết trong suốt quá trình đó, thu nhập của họ dường như không có nhiều biến động. Tốc độ tăng trưởng người theo dõi loại hình bán hàng này cũng đã chạm đến ngưỡng bão hòa, khi mà trên thị trường đã xuất hiện những nền tảng video mới như TikTok.
“Tất cả họ đều có một phương án dự phòng”, Wu cho biết. “Nhưng bạn hãy nghĩ về điều đó mà xem, những người đó không có bằng đại học. Họ cũng không sở hữu vốn kiến thức xã hội tốt hơn so với một người bình thường khác, họ không biết cách điều hành một cơ sở kinh doanh. Họ cố hùn vốn để mở các nhà hàng, quán bar, và tất cả đều thất bại”.
Ngay cả Xin, một người có gần 34,7 triệu người theo dõi trên nền tảng Kuaishou, cũng tự ý thức rằng sự nghiệp livestream sẽ không kéo dài mãi mãi.
Trong suốt một sự kiện tổ chức vào ngày hội mua sắm 12/12, anh cho biết bản thân cần phải tiếp tục cải thiện để thu hút thêm nhiều người theo dõi trên mạng hơn nữa. Anh cũng sẽ cố gắng phát triển chuỗi cung ứng sản phẩm của riêng mình. Tuy nhiên, anh cũng đã từ chối trả lời thêm những câu hỏi xung quanh cuộc sống cá nhân.