Mới đây, đại diện MobiFone cho biết, hơn 90% camera tại Việt Nam có xuất xứ từ Trung Quốc và đều có mã trong phần mềm để đồng bộ với máy chủ. Do đó đối với các camera, khả năng lộ thông tin cá nhân ra bên ngoài là rất cao, trừ khi tất cả camera đều được sản xuất bởi các công ty ở Việt Nam.
Vẫn theo đại diện MobiFone, một vài công ty ở Việt Nam có khả năng sản xuất được camera nhưng phần cứng vẫn từ Trung Quốc và tìm hiểu sâu thì phát hiện ra những dòng mã liên quan đến các trang web Trung Quốc. Vì vậy, MobiFone đề xuất cơ quan quản lý nên có tiêu chuẩn cho các thiết bị cho hệ sinh thái số để đảm bảo an toàn thông tin.
Theo ông Nguyễn Minh Đức, CEO Cyradar, hiện các camera giám sát không chỉ được lắp ở các hộ gia đình mà các đô thị thông minh có kế hoạch lắp camera rất nhiều. Vì vấn đề an toàn, an ninh thông tin nên đặt ra bài toán làm chủ công nghệ và sản xuất các camera ở Vietnam. Bên cạnh đó cũng cần phải tính đến yếu tố lưu trữ thông tin người dùng và xử lý video tại Việt Nam bởi theo luật An ninh mạng cấm lưu trữ thông tin ở nước ngoài. Ông Nguyễn Minh Đức cũng cho rằng đã đến lúc cơ quan quản lý nhà nước phải thiết lập các tiêu chuẩn về an toàn và tổ chức đánh giá, cấp phép cho các loại camera lưu hành trên thị trường.
Bình luận về vấn đề này, ông Ngô Tuấn Anh, Phó Chủ tịch phụ trách an ninh mạng của Bkav cho rằng, xu hướng sử dụng camera sẽ ngày càng phổ biến, nó là thành phần quan trọng trong hệ thống Chính phủ điện tử, Chính quyền số và thành phố thông minh, giúp giám sát giao thông, an ninh trật tự... Vì vậy, việc chủ động sản xuất camera là nhu cầu cấp thiết để đảm bảo an toàn, an ninh thông tin cho Việt Nam.
Đồng tình với quan điểm của Bkav, ông Trần Quang Chiến, CEO Công ty CyStack nhấn mạnh, camera là một trong những thiết bị quan trọng nhất trong các hệ thống giám sát, nhận diện, thành phố thông minh, ngôi nhà thông minh... phục vụ cho đời sống của người dân. Vì vậy, nếu các doanh nghiệp Việt Nam chủ động phát triển các thiết bị này với chất lượng tốt và đảm bảo an toàn là hết sức cần thiết, việc này cũng sẽ giảm thiểu được các nguy cơ lộ dữ liệu nhạy cảm cho người dùng. Tuy nhiên, việc nghiên cứu và phát triển các thiết bị này sẽ mất nhiều thời gian.
“Trong giai đoạn hiện nay, tôi nghĩ rằng các cơ quan chức năng của Việt Nam nên có các tiêu chuẩn và quy định để đánh giá được chất lượng, tính an toàn của các nhà cung cấp các thiết bị camera này không chỉ từ Trung Quốc mà cả các nhà cung cấp đến từ các quốc gia khác. Đặc biệt là các thiết bị được dùng trong các hệ thống giám sát an ninh, thu thập thông tin của cơ quan nhà nước và các hệ thống quan trọng” ông Trần Quang Chiến nói.
Trước vấn đề này, ông Nguyễn Khắc Lịch, Phó cục trưởng Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT cho rằng, các thiết bị IoT nói chung và camera giám sát nói riêng chỉ tập trung về mặt tính năng, chứ không chú trọng đến các biện pháp bảo đảm an toàn thông tin cho thiết bị. Nhiều thiết bị thậm chí còn bỏ qua các yêu cầu về bảo mật, mã hóa dữ liệu khi sử dụng hoặc có cơ chế cập nhật, vá lỗi rất hạn chế. Vì vậy người dùng cần lựa chọn các thương hiệu có uy tín, có trang bị đầy đủ các tính năng bảo mật cho thiết bị. Đối với các camera giám sát có tính năng lưu trữ dữ liệu trực tuyến (cloud), người dùng cần cân nhắc thật kỹ lưỡng, không nên dùng loại camera này nếu không có nhu cầu thực sự để đảm bảo an toàn thông tin. Theo Luật An ninh mạng của Việt Nam thì không cho phép lưu trữ dữ liệu của người dùng ra bên ngoài Việt Nam.
Trả lời câu hỏi của ICTnews, phải chăng đã đến lúc chúng ta cần phải lo đến chuyện sản xuất camera để bảo vệ an toàn, an ninh thông tin? Ông Nguyễn Khắc Lịch cho rằng, không chỉ riêng camera, trong lĩnh vực an toàn thông tin, muốn đảm bảo an toàn cho hệ thống thông tin, chúng ta cần phải làm chủ được công nghệ, chủ động trong việc sản xuất các thiết bị, phần mềm CNTT. Chỉ khi chúng ta xây dựng được hệ sinh thái số Việt Nam phát triển, vững mạnh chúng ta mới không phụ thuộc vào công nghệ, thiết bị của nước ngoài, làm chủ được thông tin và bảo vệ cho các hệ thống thông tin của chúng ta một cách tốt nhất.
“Bộ TT&TT đã, đang và sẽ đẩy mạnh công cuộc phát triển hệ sinh thái số Việt Nam và Hệ sinh thái sản phẩm an toàn, an ninh mạng Việt Nam với các sản phẩm do doanh nghiệp Việt Nam làm chủ về công nghệ. Cùng với quá trình này, công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng sẽ có những chuyển biến tích cực trong thời gian tới”, ông Nguyễn Khắc Lịch nói.