Giám đốc Công nghệ (Chief Technology Officer) Dr. John Morris của Seagate – hãng sản xuất HDD lớn nhất thế giới – cho biết mức độ kinh tế của chip nhớ flash và HDD sẽ đạt trạng thái cân bằng và các kiến trúc ổ cứng mà chúng ta có được ngày hôm nay vẫn sẽ được sử dụng cho 5-10 năm tới
Ông cho rằng ý kiến về việc SSD khiến HDD bị tuyệt chủng là chưa đúng, vì nó chưa tính đến trường hợp các trung tâm dữ liệu lớn càng ngày sẽ càng yêu cầu lưu trữ nhiều dữ liệu hơn, và tốc độ tăng trưởng của nó sẽ nằm trong khoảng 30%/năm.
Trong những trung tâm dữ liệu thuộc hàng exabyte thì sẽ có khoảng 90% dữ liệu là được lưu trên đĩa, còn lại khoảng 10% là lưu trên bộ nhớ flash. Vì thế nên cả 2 sẽ song hành với nhau, do mỗi cái có ưu/nhược điểm riêng nên chúng sẽ tương trợ lẫn nhau, giúp tạo ra và mở rộng quy mô của các trung tâm dữ liệu.
Còn đối với những trung tâm dữ liệu nhỏ hơn, tầm petabyte thì tùy vào nhu cầu mà SSD hoặc HDD sẽ chiếm ưu thế. Chẳng hạn, nếu ưu tiên hiệu năng hoặc điện năng tiêu thụ thì SSD sẽ là sự lựa chọn hợp lý, còn nếu ưu tiên về mặt chi phí thì sẽ nghiêng về HDD.
Ngoài ra, Morris còn cho biết sự xuất hiện của chip flash QLC (4 bits/cell) sẽ không gây ảnh hưởng quá nhiều đến mối tương quan giữa SSD và HDD. Những ai ủng hộ chuyện SSD QLC sẽ thay thế cho HDD thường sử dụng lập luận dựa trên việc giảm dung lượng dữ liệu; tức là SSD QLC có khả năng nén dữ liệu theo thời gian thực (on the fly) tốt hơn, từ đó giúp lưu được nhiều dữ liệu hơn, trong khi HDD thì lại không làm được, từ đó khiến giá thành cho mỗi bit dữ liệu có sự khác biệt lớn.
Tuy nhiên, Morris nói rằng muốn so sánh một cách công bằng thì phải lấy dung lượng thô (raw capacity) của cả 2 ra mà so. Đúng là SSD có khả năng nén dữ liệu theo thời gian thực rất hiệu quả, nhưng HDD bây giờ cũng làm được chuyện này chứ không chỉ riêng gì SSD, thậm chí trong một số trường hợp nó còn được mã hóa luôn là đằng khác.
Nguồn Blocks & Files biên dịch Gearvn