Theo Live Science, "giọt lệ thần chết" được phát hiện ở vùng không gian chỉ cách hệ Mặt Trời 1.500 năm ánh sáng. Đó là một hệ sao đôi kỳ lạ với ngôi sao nhỏ hơn đang nuốt vật chất của ngôi sao lớn, biến ngôi sao lớn thành một giọt lệ rực rỡ tuyệt đẹp.
Theo bài công bố trên Nature Astronomy, tình trạng hiện tại của cặp sao – được đặt tên HD265435 – cho thấy chúng sắp cùng đi đến một vụ nổ nhiệt hạch dữ dội, sáng đến nỗi có thể quan sát từ bất cứ đâu trong thiên hà, tức bao gồm Trái Đất.
Theo nhóm tác giả dẫn đầu bởi tiến sĩ Ingrid Pelisoli từ Đại học Postdam (Đức), đó sẽ là một vụ nổ siêu tân tinh loại Ia hiếm gặp. Siêu tân tinh chính là cái chết rực rỡ cuối đời của một ngôi sao, thường tạo nên cảnh quan vô cùng ngoạn mục đối với ống kính thiên văn.
Ngôi sao nhỏ trong HD265435 mới là "ma cà rồng" thực sự - một sao lùn trắng tham lam, đang ngấu nghiến vật chất từ một ngôi sao lớn hơn, trẻ hơn và vẫn còn một ít nhiên liệu. Hình dạng giọt lệ cho thấy ngôi sao trẻ đã bị thiệt hại rất nhiều nên sẽ sớm phát nổ. Bản thân ngôi sao nhỏ cũng bị nổ bởi nó đã "ăn" quá nhiều so với sức chứa.
Chỉ có 3 hệ sao đồng dạng từng được quan sát, và đây là hệ sao gần Trái Đất nhất. Vào một thời điểm nào đó, chúng có thể thắp sáng rực rỡ bầu trời đêm bằng vụ nổ siêu tân tinh. Vào năm 1054 sau Công Nguyên, lịch sử đã ghi nhận một sự kiện tương tự: một siêu tân tinh đã tồn tại rực rỡ trên bầu trời tận 23 ngày đêm.