Theo đó, thiệt hại do các cuộc tấn công mạng gây ra bởi hacker đã lên tới 600 tỷ USD mỗi năm. Mức thiệt hại tăng lên đáng kể bởi năng lực của tin tặc ngày càng tinh vi, cùng sự nở rộ của thị trường tội phạm và tiền ảo trên toàn cầu.
McAfee và CSIS ước tính mức độ thiệt hại do tấn công mạng trên toàn cầu đã tăng từ 445 tỷ USD trong năm 2014 lên 600 tỷ USD năm 2017 vừa qua. |
Báo cáo mới nhất của McAfee và CSIS đã cho thấy, mức thiệt hại do tấn công mạng trên toàn cầu đã tăng từ 445 tỷ USD trong năm 2014 lên 600 tỷ USD năm 2017 vừa qua.
Các chuyên gia của hai hãng này nhận định, các vụ tấn công mạng có vẻ như đang ngày càng dễ dàng hơn do người dùng không sử dụng các biện pháp bảo vệ cơ bản để bảo vệ các thiết bị; cũng với đó là nhiều sản phẩm công nghệ thiếu sự phòng thủ phù hợp, trong khi tội phạm mạng luôn sử dụng công nghệ cao và tinh vi để xác định mục tiêu, thiết lập các sản phẩm đánh cắp/hack dữ liệu của người dùng một cách tự động và nhân bản nhanh, để biến các dữ liệu đánh cắp được thành lợi nhuận.
Ở một góc độ khác, trước đó, Reuters đã dẫn một báo cáo từ Lloyd’s - công ty bảo hiểm lớn nhất nước Anh, theo đó, ước tính mức độ thiệt hại kinh tế bởi một cuộc tấn công mạng lớn trên thế giới có thể dao động từ 4,6 đến 53 tỷ USD, tương đương với mức tổn thất của một thảm họa thiên tai thảm khốc như siêu bão Sandy (cơn bão lớn nhất trong lịch sử 100 năm qua của nước Mỹ), diễn ra vào năm 2012.
Mới đây, chính phủ Mỹ từng cảnh báo rằng, các ngành năng lượng, hạt nhân và các tài sản liên quan tới sở hữu trí tuệ chính là đối tượng mà các hacker quan tâm cho các chiến dịch tấn công mạng sắp tới.
Theo nghiên cứu của McAfee và CSIS, thiệt hại về tài sản liên quan tới sở hữu trí tuệ chiếm tới 1/4 tổng thiệt hại do tấn công mạng trong năm 2017. Theo các nhà nghiên cứu, mã độc là loại hình tấn công phát triển nhanh nhất nhờ có sự trợ giúp của thị trường cung cấp dịch vụ tấn công mạng.