iPhone, iPad và MacBook đều được trang bị khả năng bảo mật chặt chẽ. Đây là niềm vui đối với chủ nhân thiết bị nhưng lại là tin xấu dành cho kẻ trộm và... môi trường.
Activation Lock trên các sản phẩm mới của Apple sử dụng một loại chip bảo mật đặc biệt có tên T2, kết hợp với Apple ID. Nếu chủ sở hữu không thực hiện thao tác xóa thiết bị đúng cách, nó sẽ trở thành "cục gạch" trừ khi nhập đúng tài khoản Apple ID và mật khẩu.
Tính năng bảo mật chặt chẽ của Apple đã gây khó khăn cho nỗ lực tái chế, tân trang iPhone. Ảnh: Shutterstock.
Theo ZDNet, vấn đề nằm ở chỗ không phải bất kỳ người dùng nào cũng biết điều này. Họ bán lại máy trong khi tính năng Activation Lock vẫn bật. Do đó, các thiết bị cũ không thể tái sử dụng hoặc tân trang.
iFixit trích dẫn lời Peter Schindler, người sáng lập và chủ sở hữu của một công ty tái chế hàng điện tử tại Colorado (Mỹ), cho biết, họ nhận được "từ 4.000 đến 6.000 iPhone bị khóa mỗi tháng". Tất cả đều phải vứt bỏ vì tính năng Activation Lock vẫn bật.
Đây chỉ là thông tin từ một đơn vị tái chế, nếu xem xét ở phạm vi rộng hơn, con số phải lớn hơn rất nhiều lần. Vậy phải làm gì để giải quyết vấn đề này?
Theo Schindler, Apple có thể cung cấp cho các công ty tái chế, tân trang thiết bị một loại chứng nhận đặc biệt, vượt qua Activation Lock để mở khóa những máy được bán lại hoặc tặng. Ông đang kết hợp với một số tổ chức khác như EFF, US PirG và iFixit để nộp đơn yêu theo đạo luật DMCA nếu Apple không tự nguyện đưa ra giải pháp.