Sáng 24/10, tại TPHCM, Ban Kinh tế Trung ương, Bộ TTTT phối hợp với Hiệp hội Internet Việt Nam và Tập đoàn IEC tổ chức hội thảo chuyên đề ứng dụng Internet kết nối vạn vật (IoT) trong đô thị thông minh và triển lãm quốc tế về Internet vạn vật Việt Nam 2018 với chủ đề “Hiện thực hóa tiềm năng và khai phá thị trường IoT của Việt Nam”.
Tại hội thảo, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương - Cao Đức Phát cho biết: Hiện nay, xây dựng và phát triển đô thị thông minh là một xu hướng mới trên thế giới, đã và đang được nhiều quốc gia tổ chức triển khai thực hiện. Tại Việt Nam, ngày 1/8/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 950/QĐ - TTg phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Đề án đã xác định mục tiêu đến năm 2025, hỗ trợ ít nhất 6 đô thị/6 vùng kinh tế phê duyệt Đề án tổng thể về phát triển đô thị thông minh và tổ chức triển khai thực hiện các tiện ích đô thị thông minh phục vụ cư dân đô thị. Định hướng đến năm 2030, hình thành các chuỗi đô thị thông minh khu vực phía Bắc, miền Trung, phía Nam và vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, lấy TP.Hà Nội, TP.HCM, TP.Đà Nẵng, TP.Cần Thơ là hạt nhân, hình thành mạng lưới liên kết các đô thị thông minh.
Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát cho rằng, thực tiễn cho thấy, trong xây dựng đô thị thông minh, IoT có vai trò đặc biệt quan trọng. Trong bối cảnh Việt Nam phát triển đô thị thông minh là quá trình bao gồm các bước quy hoạch đô thị, xây dựng và quản lý đô thị và cung cấp các dịch vụ tiện ích cho các tổ chức và cá nhân trong đô thị trên nền tảng của hệ thống cơ sở dữ liệu đô thị được số hóa, phát huy hiệu quả các ứng dụng công nghệ thông tin thông qua hệ thống hạ tầng mạng, trong đó IoT đóng vai trò then chốt.
Cũng tại hội thảo, đề cập về ứng dụng IoT trong kế hoạch triển khai Đề án đô thị thông minh của TP.HCM, Phó Giám đốc Sở TTTT TP.HCM Võ Thị Trung Trinh cho biết, từ nay đến năm 2020, Thành phố tập trung vào những nhiệm vụ chính như: Tập trung hoàn tất triển khai dịch vụ một cửa điện tử, dịch vụ công trực tuyến theo Nghị định của Chính phủ và hoàn thành hệ thống liên thông văn bản điện tử trong các cơ quan của TP.HCM. Đồng thời, Thành phố sẽ hình thành kho dữ liệu dùng chung liên quan đến người dân, doanh nghiệp và bản đồ số. Đây là nền tảng quan trọng để phát triển đô thị thông minh của TP.HCM và cũng là nền tảng để ứng dụng IoT. Trong quá trình này, Thành phố sẽ có những bước chuyển đổi để cung cấp các dịch vụ công từ trực tuyến chuyển sang dịch vụ công theo hướng cá nhân hóa thông minh với sự hỗ trợ của cơ sở dữ liệu lớn và các thiết bị như di động cầm tay, các thiết bị khác để người dân, doanh nghiệp cảm thấy nhận được nhiều tiện ích từ các dịch vụ công mà Thành phố cung cấp; trong đó Thành phố đặt mục tiêu cải tiến và nâng cấp chất lượng dịch vụ hành chính công tại Thành phố.
Phó Giám đốc Sở TTTT Thành phố Võ Thị Trung Trinh thông tin: Trong kế hoạch triển khai Đề án đô thị thông minh, Thành phố ứng dụng rộng rãi vấn đề IoT trong lĩnh vực giao thông có một số dự án như trạm thu phí không dừng, vé xe buýt thông minh, hệ thống cảm biến về chống ngập để cung cấp thông tin cảnh báo cho người dân về nguy cơ, khu vực đang bị ngập để tránh đi vào đó; hệ thống quan trắc môi trường; hệ thống liên quan y tế; giáo dục.
Theo Phó Giám đốc Sở TTTT Thành phố Võ Thị Trung Trinh, việc ứng dụng IoT giúp Thành phố thu thập dữ liệu truyền thống, đồng thời thu thập dữ liệu mới từ vấn đề tự động qua các hệ thống cảm biến. Đây là nền tảng quan trọng giúp cho Thành phố thu thập được những thông tin hết sức cần thiết cho vấn đề hoạch định chiến lược của Thành phố trong công tác. Qua đó, Thành phố có những chính sách cải thiện phục vụ nâng cao chất lượng dịch vụ công.
Phó Giám đốc Sở TTTT Thành phố Võ Thị Trung Trinh cũng cho biết: Để đảm bảo cho vấn đề ứng dụng IoT, Thành phố xác định rõ, việc triển khai IoT là phải đẩy mạnh vấn đề xã hội hóa. Muốn đẩy mạnh vấn đề xã hội hóa, Thành phố ban hành khung kiến trúc và trong khung kiến trúc này Thành phố quy định các chuẩn và các lớp ứng dụng. Bên cạnh đó, để đảm bảo vấn đề an ninh, an toàn thông tin tránh bị lộ lọt thông tin, Thành phố ban hành chương trình liên quan đến kiến trúc về an toàn thông tin.
Cũng trong buổi sáng, đã diễn ra hội thảo chuyên đề đảm bảo an toàn và an ninh mạng trong kỷ nguyên IoT; hội thảo chuyên đề IoT và cuộc cách mạng trong sản xuất.
(theo Thanhuytphcm.vn)
Cụ thể, trong số các camera an ninh được sử dụng tại Việt Nam, 316.712 thiết bị (được lắp đặt tại nhà riêng, cửa hàng, nhà xưởng, văn phòng…) đang tồn tại lỗ hổng gây nguy cơ mất an toàn thông tin. Theo các chuyên gia công nghệ, việc camera an ninh tồn tại lỗ hổng có thể gây ra nhiều nguy hiểm cho người dùng. Cụ thể, hacker có thể lợi dụng các lỗ hổng này để xâm nhập camera, xem hình ảnh do camera ghi lại. Nguy hiểm hơn, hacker có thể lấy hình ảnh nhạy cảm của chủ nhân mà camera ghi lại để phát tán lên mạng, lên website khiêu dâm hay thậm chí dùng để tống tiền chủ nhân. 5 tỉnh, thành phố có số lượng camera an ninh tồn tại lỗ hổng nhiều nhất lần lượt là: Hà Nội (gần 60.000 thiết bị), TP HCM (gần 48.000 thiết bị), Hải Phòng (gần 7.000), Đà Nẵng (hơn 4.500) và Thái Nguyên (hơn 2.700). Ba nhà sản xuất có thiết bị camera đang được sử dụng tại Việt Nam tồn tại lỗ hổng nhiều nhất là Hikvision (hơn 210.000 thiết bị), Dahua (gần 50.000) và Avtech (khoảng 20.000). Ngoài camera an ninh thì các Router (bộ định tuyến), máy in và VoIP là những thiết bị IoT có lỗ hổng an ninh mạng nhiều nhất tại Việt Nam hiện nay. Theo Cục An toàn thông tin, camera an ninh tại Việt Nam tồn tại nhiều lỗ hổng, dễ bị tấn công mạng là do thiết bị đã tồn tại sẵn lỗ hổng hay người sử dụng để nguyên mật khẩu mặc định ban đầu hoặc đặt mật khẩu dễ đoán. Bên cạnh đó, năng lực về an toàn thông tin của nhà sản xuất, khả năng cập nhật vá lỗi của các thiết bị còn kém và những hạn chế về nhận thức an toàn thông tin của người sử dụng cũng dẫn đến tình trạng này. theo NLĐ |