Theo Science Alert, hành tinh vừa được phát hiện thuộc về hệ sao KOI-5, cách chúng ta tới 1.800 năm ánh sáng.
Cách đây 1 thập kỷ, những dấu vết đầu tiên về ngôi sao KOI-5A và hành tinh kỳ lạ quay quanh nó này đã được tìm thấy bởi kính viễn vọng không gian Kepler của NASA, tuy nhiên không được nghiên cứu tiếp vì các dữ liệu về nó quá mờ nhạt. Nghiên cứu về nó lúc đó sẽ rất phức tạp, trong khi các nhà thiên văn có vô số hành tinh thú vị và dễ tiếp cận hơn để khám phá.
Đến năm 2014, Đài quan sát W.K. Keck, Đài quan sát Palomar và Đài quan sát Gemini North tiếp tục hướng kính thiên văn về phía hành tinh này, dưới nghiên cứu dẫn đầu bởi tiến sĩ David Ciardi từ Viện Khoa học Ngoại hành tinh của NASA. Lần này, họ đã phát hiện ra hệ KOI-5 này có thêm 2 "mặt trời" khác ngoài ngôi sao KOI-5A đã được phát hiện, được đặt tên là KOI-5B và KOI-5C. Tuy nhiên điều này càng khiến hy vọng quan sát hành tinh bí ẩn bị giảm đi, một khi nó chìm trong vùng sáng khổng lồ của 3 ngôi sao. Nghiên cứu tiếp tục bị "xếp xó" vì quá khó.
Tuy nhiên nhờ có Kính viễn vọng không gian TESS mà NASA phóng lên vào năm 2018, hồ sơ về hành tinh bí ẩn được tiến sĩ Ciardi lật lại lần nữa. Hành tinh đã có tên: KOI-5Ab. Nghiên cứu mới cho thấy hành tinh chỉ quay quanh KOI-5A, nhưng đủ để nhìn thấy cả 2 ngôi sao còn lại từ đó.
Các tác giả phát hiện ra đây là một "mỏ vàng" thực sự bởi hành tinh có 2 "mặt trời" vốn đã rất hiếm, hành tinh có 3 "mặt trời" càng khó lòng gặp được. Nó được đem so sánh với Tatoonie, hành tinh 3 mặt trời tưởng chừng không thể tồn tại trong phim Star Wars. Nếu đứng trên hành tinh này, bạn sẽ thấy sao mẹ KOI-5A như một mặt trời lớn, 2 ngôi sao khác là 2 "mặt trời phụ" nhỏ bé hơn.
Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học American Astronomical Society này cho rằng hành tinh này đã ra đời cực kỳ may mắn. Chỉ cần quỹ đạo của nó lệch đi một chút, nó đã bị ngôi sao KOI-5B đẩy văng khỏi đĩa tiền hành tinh của ngôi sao mẹ KOI-5A.