Theo bài công bố vừa đăng tải trên Astronomical Journal, TOI-561 là một hành tinh đá, tức cùng loại với Trái Đất, nhưng có khối lượng gấp 3 lần, đường kính gấp 1,5 lần hành tinh chúng ta. Nó quay quanh một ngôi sao già cách Trái Đất 280 năm ánh sáng và là một trong những hệ sao đầu tiên hình thành trong vũ trụ.
Nhà vật lý thiên văn Stephen Kane từ Đại học California ở Riverside (Mỹ) cho biết điều gây kinh ngạc nhất là mật độ của hành tinh này chỉ tương đương với Trái Đất. Đáng lẽ với độ lớn đó, nó phải dày đặc hơn rất nhiều. "Điều này cho thấy hành tinh này phải cực kỳ cũ" – tiến sĩ Kane kết luận khi trình bày nghiên cứu tại cuộc họp lần thứ 237 của Hiệp hội Thiên văn mỹ (AAS).
"Mặc dù hành tinh đặc biệt này không thể có người sinh sống, nhưng nó sẽ cung cấp cái nhìn về những thế giới đá lâu đời chưa được khám phá xung quanh những ngôi sao già nhất thiên hà của chúng ta" – tờ Space trích phát biểu của tiến sĩ Kane.
Lý do không ai sống được trên TOI-561 là nó quay quá gần ngôi sao mẹ, chỉ mất 12 ngày để đi hết 1 vòng. Điều này cung cấp cho nó một nhiệt độ bề mặt kinh hoàng là 1.726 độ C, quá nóng cho bất kỳ dạng sống đã biết nào. Có thể nói tuy có thành phần và kết cấu y hệt Trái Đất, nhưng nó là một phiên bản "quái vật" khổng lồ và khắc nghiệt.
Ước tính hành tinh này và ngôi sao mẹ của nó đã gần 10 tỉ năm tuổi, tức "già" hơn Mặt Trời gần 5,4 tỉ năm tuổi. Tuổi của vũ trụ là khoảng 14 tỉ nên có thể nói siêu trái đất này là một trong những hành tinh đầu tiên ra đời trong vũ trụ. Theo các tác giả, dạng hành tinh này là rất phổ biến trong vũ trụ sơ khai nhưng đến nay nhiều thế giới tương tự như vậy đã bị hủy diệt.
Dấu vết về hành tinh được phát hiện lần đầu nhờ Kính viễn vọng không gian TESS của NASA, sau đó đã được xác định cụ thể bởi Đài thiên văn W.M.Keck đặt tại Hawaii (Mỹ).