Vào một buổi sáng yên bình ở sa mạc phía Tây bang Texas, tiến sĩ Boshuizen bước vào Blue Origin - tên lửa do tỷ phú Amazon, ông Jeff Bezos tạo ra - cho một hành trình mà hầu hết chúng ta sẽ khó thể nào trải qua.
Sau cả đời mơ ước và 20 năm làm việc trong ngành nghiên cứu vũ trụ, tuần trước, nhà vật lý và kỹ sư đã chứng kiến “giấc mơ thời niên thiếu” của mình biến thành hiện thực, sau khi ông trở thành công dân Úc thứ ba đi vào không gian.
Vào ngày 9/10, ông Boshuizen bay từ nhà của mình ở San Francisco đến Van Horn, một thị trấn nhỏ thuộc vùng nông thôn của Texas và gần biên giới Mexico. Trong năm đêm tiếp theo, ông sẽ sống ở Làng Phi hành gia, một dinh thự sang trọng thuộc quyền sở hữu của ông Bezos.
Tất cả bốn thành viên phi hành đoàn đã trải qua nhiều ngày đào tạo, bao gồm mô phỏng cất cánh và môi trường không trọng lực, được thiết kế để chuẩn bị cho họ đi vào vũ trụ. Mọi khía cạnh của cuộc hành trình đều được diễn tập thật nhuần nhuyễn, từ các cuộc họp với đội ngũ kỹ sư và đội điều khiển, cho đến thử bộ đồ bay và cách xử lý các tình huống khẩn cấp.
Vào ngày 13/10 - ngày phóng - ông Boshuizen đã thức dậy trước cả khi mặt trời mọc. Tiến sĩ thừa nhận “cảm thấy hơi lo lắng”, nhưng nỗi lo ấy sớm được thay thế bằng sự phấn khích được chia sẻ giữa bốn hành khách may mắn.
Trước giờ phóng 45 phút, phi hành đoàn rời Trung tâm Huấn luyện Phi hành gia để thực hiện chuyến hành trình kéo dài 10 phút đến bệ phóng New Shepard. Cao gần 20 mét và rộng bốn mét, công trình là một cảnh tượng choáng ngợp, đặc biệt trong khung cảnh sa mạc thưa thớt.
Ông Boshuizen lên tháp và đi qua cầu hàng không để đến khoang phi hành đoàn rộng 15 mét khối. Sau khi vào trong tên lửa, các phi hành gia được buộc chặt vào ghế của họ.
Trước giờ phóng 25 phút, ông Boshuizen là hành khách cuối cùng vào khoang, trong khi đội ngũ dưới mặt đất kiểm tra mọi thứ một lần cuối. Ở 15 phút cuối cùng, đích thân ông Bezos đã đóng sập cửa khoang lại, và trạm điều khiển nhiệm vụ hướng dẫn các phi hành gia hãy “ngồi yên và thư giãn”.
“Nó giống như một cánh cửa tàu ngầm, và khi họ khóa nó lại, bạn sẽ nghĩ rằng “Mình mắc kẹt ở đây rồi, mình sẽ không thoát ra được”, tiến sĩ nhớ lại.
Ông Chris Boshuizen (trái) và Phi hành đoàn Blue Origin
Thời khắc đã điểm. Trạm điều khiển bắt đầu đếm ngược 10 giây cuối cùng trước khi tên lửa được phóng lên từ mặt đất. “Cảm giác giống như ngồi trong một chiếc máy bay cất cánh dựng đứng vậy”, ông Boshuizen nói, chối bỏ quan niệm rằng khoang chứa sẽ rung lắc mạnh “như trong phim”.
Khi tên lửa đến gần Tuyến Kármán, ranh giới giữa Trái đất và vũ trụ được quốc tế công nhận, khoang chứa tách ra khỏi tên lửa đẩy và chính thức lên đường vào không gian. “Chỉ mất bốn đến bảy phút để lên vũ trụ”, tiến sĩ kể lại. “Nó thực sự rất, rất nhanh”.
Ở độ cao 100km trên mực nước biển, ông bắt đầu lộn nhào trong không trung sau khi rời khỏi ghế của mình. Sau vài phút trải nghiệm môi trường không trọng lực, phi hành đoàn sớm nhìn ra ngoài cửa sổ để chiêm ngưỡng Trái đất.
“Trải nghiệm xúc động đến nỗi cả đoàn đều thổn thức”, ông Boshuizen nói. “Nhìn thấy rìa của bầu khí quyển - một lớp chắn mỏng màu xanh lục bao quanh hành tinh - là một trải nghiệm kỳ lạ. Bây giờ nhắm mắt lại, tôi vẫn cảm thấy nỗi xúc động đó… nó kéo trái tim tôi khỏi lồng ngực và ra tận rìa của thế giới”.
“Tôi đã xem mọi bộ phim, tôi đã nghe mọi phi hành gia nói về không gian và nhìn thấy mọi bức ảnh về độ cong của Trái đất dưới ánh sáng của bầu khí quyển, nhưng khi tôi đứng trên đó, tôi nhận ra chúng không thể nào miêu tả trọn vẹn những gì tôi đã thấy”.
Tên lửa rời khỏi bệ phóng
Sau khi đạt được ước mơ thời thơ ấu, tiến sĩ Boshuizen hiện có một mục tiêu mới: biến việc lên vũ trụ dễ dàng như bắt xe buýt.
“Chỉ trong hơn nửa thế kỷ, loài người đã hoàn toàn thay đổi. Những việc từng cần cả một đất nước góp sức, giờ đây bạn và tôi có thể làm được”, ông nói. “Ý tưởng sống và làm việc trong không gian sẽ trở thành hiện thực. 60 năm khám phá không gian đầu tiên là lĩnh vực của các chính phủ, nhưng giờ nó đã trở thành lĩnh vực của những công dân bình thường”.
“Vũ trụ đã luôn luôn hiện hữu, các ngôi sao đang chiếu xuống chúng ta cũng đã chiếu xuống tổ tiên chúng ta... Dù có thể chỉ là 100km cách mặt đất, nhưng trong phần lớn lịch sử loài người, nó là một điều nằm ngoài tầm với. Một ngày không xa, những thế hệ mới sẽ nhìn xuống Trái đất từ trên đó, và đem lòng yêu hành tinh xanh vĩ đại của chúng ta một lần nữa, hệt như những phi hành gia đầu tiên đã làm”, tiến sĩ nói.