Hậu họa với các app đặt đồ ăn khi cố cạnh tranh bằng mã khuyến mãi

"Điểm bất cập của việc chú trọng vào mã khuyến mãi là tạo nên một hướng đi chiếm lĩnh thị trường không bền vững và gây nên sự mất cân bằng cho thị trường mục tiêu".

Thách thức lớn nhất hiện nay đối với thị trường giao đồ ăn trực tuyến đó là sự phát triển bền vững, bởi thị trường đang được thúc đẩy chủ yếu bởi sự cạnh tranh mã khuyến mãi khốc liệt giữa các ứng dụng công nghệ. Đó là nhận định đáng chú ý của ông Jinwoo Song - Tổng Giám đốc BAEMIN Việt Nam tại hội thảo “Thương mại điện tử - Xu thế phát triển bền vững” trong khuôn khổ Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia Việt Nam (TechFest).

"Việc đầu tư vào mã khuyến mãi giúp các ứng dụng nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường, có lượng người sử dụng đông đảo hơn và nâng cao số lượng đơn hàng. Tuy nhiên, điểm bất cập của việc chú trọng vào mã khuyến mãi là tạo nên một hướng đi chiếm lĩnh thị trường không bền vững và gây nên sự mất cân bằng cho thị trường mục tiêu", ông Jinwoo thẳng thắn nhìn nhận.

“Ứng dụng nào có nhiều ưu đãi sẽ giữ chân được người dùng. Tuy nhiên, nếu người dùng gắn với ứng dụng nào chỉ vì có khuyến mãi tốt, thì họ sẽ quay lưng khi khuyến mãi không còn”, ông nói thêm.

Do đó, theo ông, trong bối cảnh thị trường giao đồ ăn trực tuyến đang phát triển không ngừng, việc hướng đến nâng cao năng lực cạnh tranh để phát triển bền vững là điều vô cùng cần thiết. Để nâng cao năng lực cạnh tranh cần sự tạo điều kiện từ các cơ quan quản lý nhà nước và sự nỗ lực phát triển của mỗi doanh nghiệp thương mại điện tử. 

“Bên cạnh những chính sách và quy định hiện hành về thương mại điện tử, cần tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý phù hợp với bối cảnh thực tế. Ngoài ra, việc quy định đầu mối tập trung (cơ quan chức năng chuyên trách) cho vấn đề hoạt động với nhiều bên liên quan như đối tác nhà hàng và đối tác tài xế cũng là yếu tố cần thiết với các ứng dụng”, Tổng Giám đốc BAEMIN Việt Nam phát biểu.

Cụ thể, ông cho rằng, đối với các doanh nghiệp thương mại điện tử, yếu tố cốt lõi để nâng cao năng lực cạnh tranh là tập trung vào trải nghiệm của người dùng khi họ sử dụng ứng dụng, thỏa mãn nhu cầu của họ và giữ chân được người dùng ở lại với ứng dụng.

Với bản chất hoạt động trong nền kinh tế số, theo ông, các ứng dụng cần tận dụng và nâng cao các kỹ thuật khoa học công nghệ cao để mang đến cho người dùng trải nghiệm tốt nhất. Ngoài ra, doanh nghiệp thương mại điện tử cần có trách nhiệm xã hội và hướng đến phát triển bền vững.

Lấy BAEMIN làm ví dụ, ông Jinwoo cho biết: “Với đối tác tài xế, BAEMIN tạo nên một cộng đồng gắn kết luôn đặt khách hàng lên hàng đầu và sẵn sàng tham gia các hoạt động thiện nguyện dành cho cộng đồng. Với đối tác nhà hàng, chúng tôi mong muốn cập nhật kiến thức liên quan cho họ để phát triển kinh doanh qua sáng kiến Học viện BAEMIN, cũng như tổ chức các buổi họp mặt gần gũi để các đối tác có thể trao đổi kinh nghiệm cho nhau”.

“Chúng tôi đặt người dùng làm trung tâm bằng cách mang đến những sáng kiến tiện lợi như MamaWoo (món ăn ngon được đóng gói sẵn) hay các hoạt động tương tác trong ứng dụng theo chủ đề hàng tháng. Đối với cộng đồng, chúng tôi sẵn sàng phối hợp với các đơn vị liên quan để hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn và đồng hành cùng cộng đồng trong những dịp đặc biệt”, ông cho biết thêm.

Về TechFest, đây là sự kiện thường niên lớn nhất dành cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với chủ đề năm 2022: “Đổi mới Sáng tạo mở - Khơi nguồn tư duy mới”. Sự kiện được ra đời từ năm 2015 với mục tiêu thúc đẩy các giải pháp đổi mới sáng tạo từ các doanh nghiệp khởi nghiệp trong thời đại công nghệ phát triển mạnh mẽ, thu hút nguồn lực chuyên gia, trí thức, doanh nhân trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài để tăng trưởng nền kinh tế.

Đây là sự kiện nằm trong đề án Hỗ trợ Hệ sinh thái Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia do Thủ tướng ban hành quyết định với sự tham dự của lãnh đạo Bộ Công thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông, đại diện lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng như các sở, ban, ngành liên quan.