Có thể bạn sẽ thắc mắc rằng liệu những ứng dụng này có thật sự hiệu quả? Hóa ra,
RAM trên Android có vai trò gì?
Trước khi tìm hiểu cách hoạt động của những ứng dụng dọn dẹp hệ thống, chúng ta cần phải hiểu được RAM là gì và vai trò của nó trên chiếc điện thoại.
Hệ điều hành (cả Windows lẫn Android) sử dụng RAM để lưu trữ những ứng dụng đang hoạt động. Có nghĩa là khi bạn mở một ứng dụng trên điện thoại, Android sẽ tải nó vào RAM. Hệ điều hành sẽ lưu các ứng dụng ở đó để bạn có thể dễ dàng chuyển đổi giữa chúng và tiếp tục sử dụng mà không cần tải lại từ đầu.
RAM là bộ lưu trữ khả biến, do vậy mỗi khi bạn tắt nguồn điện thoại, mọi thứ lưu trong nó sẽ bị xóa sạch. Nó hoàn toàn khác với bộ nhớ trong của điện thoại, bạn có thể tắt mở máy mà không lo dữ liệu trên bộ nhớ trong biến mất. Vì vậy, tải một dữ liệu nào đó từ RAM nhanh hơn nhiều so với việc lấy nó ra từ bộ nhớ trong.
Android sử dụng RAM như thế nào?
Có thể bạn sẽ nghĩ rằng điện thoại mình có quá nhiều RAM nên cần phải quản lý chúng theo cách thủ công. Điều này chỉ đúng nếu bạn đang sử dụng Windows.
Trên Windows, hệ điều hành sẽ giữ những chỗ trống trên RAM để dành cho những chương trình khác hoạt động trong tương lai. Nếu máy tính của bạn có quá nhiều ứng dụng đang chạy sẽ dẫn đến tràn RAM và Windows sẽ chuyển dữ liệu thừa sang page file. Đây là một phần trong ổ cứng của bạn được sử dụng như RAM tạm thời khi hệ thống cần.
Thậm chí cả ổ cứng SSD vẫn chậm hơn nhiều so với RAM, vì vậy khi Windows chuyển sang sử dụng page file bạn sẽ thấy tốc độ chậm đi hẳn. Lúc này, điều bạn cần làm là tắt bớt ứng dụng đang hoạt động để giải phóng RAM.
Tuy nhiên, Android lại sử dụng RAM theo cách hoàn toàn khác. Hệ điều hành này học tập theo Linux với châm ngôn "để RAM trống là một sự lãng phí". Các mã nguồn của Linux sẽ đưa RAM trống vào sử dụng cho bộ nhớ đệm, nhờ đó hệ thống của bạn sẽ hoạt động mượt mà hơn.
Với Android, các ứng dụng bạn đã mở lên sẽ được giữ trong RAM cho đến khi có ứng dụng mới cần chỗ trống trên RAM. Android sẽ tự động loại bỏ các ứng dụng cũ để chừa chỗ cho những ứng dụng có ưu tiên cao hơn dựa trên hoạt động của bạn.
Ví dụ về cách sử dụng RAM của Android
Giả sử bạn có một chiếc điện thoại Android 4GB RAM và mỗi ứng dụng cần 1GB. Có nghĩa là điện thoại của bạn có thể mở cùng lúc 4 ứng dụng trên RAM (ở đây chúng tôi không tính phần RAM được sử dụng bởi hệ thống).
Bây giờ, cứ cho là bạn đang mở 4 ứng dụng và sử dụng mỗi ứng dụng trong 1 phút. Sau đó, bạn không dùng đến điện thoại trong 30 phút. Khi bạn cầm điện thoại lên và mở một trong 4 ứng dụng trước đó, bạn sẽ có thể tiếp tục sử dụng nó ngay tại vị trí rời đi. Đó là nhờ Android đã lưu những ứng dụng này trên RAM.
Nếu bạn mở 5 ứng dụng hoặc nhiều hơn, ứng dụng thứ 5 đã vượt quá dung lượng RAM của điện thoại. Android sẽ phân tích ứng dụng nào trên RAM ít quan trọng nhất dựa trên quá trình sử dụng của bạn và ứng dụng nào có độ ưu tiên cao hơn. Ví dụ nếu bạn thường nghe nhạc trên Spotify, Android sẽ giữ nó trên RAM cho đến khi bạn không dùng ứng dụng này trong một thời gian dài.
Nhờ đó, Android sẽ loại bỏ ứng dụng ít quan trọng nhất trên RAM để chừa chỗ lại cho ứng dụng bạn vừa mở lên. Nếu bạn mở lại ứng dụng đã bị xóa khỏi RAM, ứng dụng này sẽ phải tải lại từ đầu.
Vì sao ứng dụng dọn dẹp hệ thống có hại cho Android?
Sau khi đã hiểu cách Android sử dụng RAM, chúng ta có thể nhận thấy những ứng dụng có chức năng dọn dẹp hệ thống tác động như thế nào đến hiệu năng máy.
Hầu hết những ứng dụng dọn dẹp hệ thống đều hoạt động theo cách sau: đầu tiên ứng dụng này sẽ cho bạn biết những ứng dụng nào đang hoạt động và chiếm bao nhiều RAM, sau đó nó sẽ đề xuất bạn giải phóng RAM bằng cách buộc dừng hoạt động những ứng dụng đó. Sau khi bấm dừng hoạt động, ứng dụng sẽ cho bạn biết những ứng dụng kia không còn "chiếm tài nguyên" nữa.
Vấn đề là khi bạn dừng hoàn toàn hoạt động của những ứng dụng kia, chúng sẽ phải khởi động lại từ đầu khi bạn mở lại. Hơn nữa, một số tác vụ sẽ tự khởi động lại ngay khi bạn tắt vì chúng cần hoạt động dưới nền với nhiều lý do.
Vì vậy, việc buộc dừng hoạt động ứng dụng còn tiêu tốn tài nguyên hơn là cứ để chúng ở yên trong RAM và bạn có thể nhanh chóng mở lại khi cần. Cũng như đã nói ở trên, hệ điều hành Android đủ thông minh để có thể xác định những dữ liệu nào cần được lưu trên RAM và những "phần RAM được bạn giải phóng" thông qua buộc dừng ứng dụng không có bất cứ lợi ích gì cho hiệu năng máy.
Tiếp tục với ví dụ ở trên, bạn đã mở 4 ứng dụng và Android lưu chúng trên RAM. Nếu bạn chạy ứng dụng giải phóng RAM lúc này, nó sẽ dừng hoạt động tất cả ứng dụng để "làm trống bộ nhớ RAM".
Điều này thật vô nghĩa, nếu bạn định mở lại những ứng dụng này sau đó thì việc dọn dẹp bộ nhớ RAM chẳng có lợi ích gì. Android giữ những ứng dụng vừa được sử dụng trên RAM để tạo ra một trải nghiệm liên tục nhất có thể cho người dùng và việc buộc dừng các ứng dụng đang chạy hoàn toàn đi ngược lại với điều này.
Thêm vào đó, một số ứng dụng dọn dẹp hệ thống còn tự động chạy nền và buộc dừng các ứng dụng khác theo lịch có sẵn. Tính năng này làm hao tổn tài nguyên máy mà lại chẳng mang lại lợi ích gì cho người dùng.
Tắt ứng dụng bằng tay cũng không cần thiết
Thậm chí nếu bạn không dùng ứng dụng dọn dẹp hệ thống thì vẫn có những tính năng mặc định trên Android có chức năng tương tự. Bạn có thể mở màn hình Recents (Các ứng dụng gần đây) để xem những ứng dụng được mở gần đây bằng cách vuốt từ cạnh dưới lên và giữ yên hoặc nhấn nút ô vuông trên thanh điều hướng.
Nếu bạn vuốt khung hình của ứng dụng thẳng lên trên từ trang Recents, bạn sẽ xóa nó khỏi trang này và đồng thời dừng hoạt động của ứng dụng đó. Nhiều người dùng có thói quen thường xuyên xóa tất cả ứng dụng trong trang này mỗi khi dùng điện thoại xong.
Điều này là không cần thiết! Việc đóng ứng dụng ngay khi bạn vừa sử dụng xong chẳng khác gì bạn dùng ứng dụng dọn dẹp hệ thống như đã nói ở trên. Bạn đang khiến chiếc điện thoại của mình hoạt động nhiều hơn vì nó phải tải lại từ đầu tất cả ứng dụng mỗi khi bạn mở lên. Nó giống như là bạn phải tắt hoàn toàn và mở lại trình duyệt trên máy tính mỗi khi truy cập một trang khác thay vì sử dụng nhiều tab khác nhau vậy.
Hãy xác định trang Recents chỉ là một tính năng giúp bạn chuyển đổi dễ dàng giữa các ứng dụng. Đừng xem nó như một danh sách các ứng dụng bạn cần phải tắt. Chỉ xóa ứng dụng khỏi Recents khi bạn thật sự không muốn ứng dụng nào đó chạy dưới nền, hoặc khi ứng dụng đó gây bất tiện khi bạn chuyển đổi giữa các ứng dụng khác.
Đừng bao giờ sử dụng các ứng dụng dọn dẹp trên điện thoại!
Các ứng dụng dọn dẹp trên điện thoại Android nếu nhẹ thì vô dụng và nếu nặng thì thậm chí còn gây hại cho thiết bị của bạn. Cách tốt nhất là bạn hãy để cho hệ điều hành Android trên thiết bị tự quản lý bộ nhớ của nó. Việc có nhiều dung lượng RAM trống không có tác dụng cải thiện hiệu năng máy. Bạn sẽ có trải nghiệm mượt mà nhất trên Android khi ứng dụng được lưu trong bộ nhớ RAM.