Chị Chu, một nhà đầu tư chứng khoán tại Dư Diêu, Ninh Ba, Chiết Giang, Trung Quốc, đã vô cùng hoảng hốt khi phát hiện 830.000 NDT (hơn 3 tỷ đồng) trong tài khoản chứng khoán của mình đột ngột biến mất vào đêm 19/10/2015. Người “lấy” tiền không ai khác chính là ngân hàng liên kết với tài khoản của người phụ nữ này. Mặc dù sau đó số tiền được hoàn trả, nhưng sự cố khiến chị Chu không chỉ bỏ lỡ cơ hội đầu tư cổ phiếu mà còn dấy lên mối lo ngại lớn về độ an toàn của tài khoản cá nhân.
Trưa hôm sau, chị Chu lập tức tới chi nhánh ngân hàng để làm rõ vụ việc. Tại đây, nhân viên thông báo rằng chị đã ký một thỏa thuận cho phép ngân hàng chuyển số dư tài khoản chứng khoán trong một số khung giờ nhất định.
Chị Chu cho biết chỉ khi sự việc xảy ra, chị mới được nhìn thấy “bản thỏa thuận” dài ba trang. Trong đó, chỉ có trang đầu tiên mang chữ ký của chị, hai trang còn lại chữ ký hoàn toàn khác biệt.
Theo nội dung bản thỏa thuận, ngân hàng được phép chuyển tiền từ tài khoản chứng khoán sang tài khoản thanh toán cá nhân trong các khung giờ như: sau khi thị trường đóng cửa vào ngày giao dịch cuối tháng, trước kỳ nghỉ lễ, hoặc chiều thứ Sáu hàng tuần (từ 15h05 đến 16h00). Tuy nhiên, ngân hàng phải hoàn lại tiền vào buổi sáng đầu tiên của ngày giao dịch tiếp theo (từ 8h45 đến 9h15).

Ảnh minh hoạ: Internet
Căn cứ vào những điều khoản này, chị Chu nhận thấy việc ngân hàng chuyển tiền lúc 22h21 hoàn toàn nằm ngoài khoảng thời gian quy định. Người phụ nữ này bức xúc cho biết: “Tiền của tôi bị chuyển đi giữa đêm mà tôi không hề hay biết. Chẳng khác nào bị đánh cắp!”
Bên cạnh đó, sau khi kiểm tra lịch sử giao dịch, chị Chu còn phát hiện ngân hàng đã nhiều lần thực hiện việc chuyển tiền vào các thời điểm đã thỏa thuận. Tuy nhiên, bản thân người phụ nữ này hoàn toàn không được thông báo và chưa từng kiểm tra vì tài khoản chỉ dùng cho giao dịch chứng khoán.
Chị Chu kể rằng ban đầu khi sự việc xảy ra, phía ngân hàng đã xin lỗi chị và cho biết việc chuyển tiền nhằm mục đích tối ưu lợi nhuận vốn, giúp chị hưởng lãi suất cao hơn. Đơn vị này thậm chí còn chuyển 610 NDT tiền lãi vào tài khoản của chị Chu theo thỏa thuận, như một hình thức bồi thường, “dàn xếp nhẹ nhàng”.
Tuy nhiên, khi chị Chu yêu cầu bồi thường thiệt hại vì bỏ lỡ thời điểm mua cổ phiếu tốt, ngân hàng lập tức thay đổi thái độ, khẳng định đây là “sự cố hệ thống” mang tính bất khả kháng.
Vụ việc này sau khi được chia sẻ đã thu hút sự chú ý của dư luận Trung Quốc. Chị Chu kiên quyết yêu cầu phía ngân hàng bồi thường cho mình nhưng đơn vị này vẫn quyết định giữ im lặng.
Một luật sư ở Bắc Kinh nhận định rằng trong vụ việc này, hành vi của phía ngân hàng là sai phạm và giải thích: “Tiền trong tài khoản chứng khoán là tài sản cá nhân, ngân hàng không có quyền tự ý chuyển nếu không có sự đồng thuận hợp pháp của chủ tài khoản. Nếu thỏa thuận không hợp lệ hoặc có dấu hiệu bị làm giả, hành vi của ngân hàng là vi phạm nghiêm trọng, buộc phải bồi thường thiệt hại.”

Ảnh minh hoạ: Internet
Luật sư này cũng cho biết, ngay cả khi thỏa thuận giữa hai bên có hiệu lực, việc ngân hàng chuyển tiền ra khỏi tài khoản chứng khoán ngoài khung thời gian đã quy định vẫn là hành vi vi phạm hợp đồng. Không chỉ xâm phạm quyền sở hữu tài sản của khách hàng, đây còn có thể bị xem là dấu hiệu của việc lạm dụng quyền hạn.
Theo Luật Ngân hàng thương mại Trung Quốc, nếu ngân hàng tự ý đóng băng, khấu trừ hoặc chuyển tiền mà không có sự đồng thuận hợp pháp của khách hàng, sẽ bị xử lý hành chính, buộc khắc phục hậu quả, tịch thu lợi nhuận bất chính và có thể bị phạt tới năm lần số tiền vi phạm.
Dù kết quả vụ việc không được công bố, song câu chuyện của chị Chu vẫn giúp mọi người nhận ra bài học: Dù tin tưởng vào hệ thống tài chính, khách hàng Trung Quốc vẫn cần chủ động rà soát các thỏa thuận đã ký, thường xuyên kiểm tra giao dịch và yêu cầu ngân hàng minh bạch các điều khoản ảnh hưởng trực tiếp đến tài sản cá nhân. Trong mọi trường hợp, quyền kiểm soát tiền của khách hàng phải được tôn trọng tuyệt đối.
Theo Tân Hoa xã