Bài viết này sẽ giúp bạn xây dựng một chiếc máy tính hoàn toàn bằng bìa các tông, trông rất ngộ nghĩnh vui mắt, đảm bảo sẽ khiến cho PC của bạn trở nên độc nhất vô nhị tuỳ vào 'hoa tay' của bản thân, chẳng mấy người bắt chước được. Thực tế thì đây là sản phẩm lấy ý tưởng từ chiếc Nintendo Labo vốn vô cùng sáng tạo mà hãng console này đang bán.
Chắc chắn bạn đã nghe qua về Nintendo Labo rồi chứ, đây là một thiết bị bao gồm các mảnh bìa các tông được gấp lại và như một công cụ cho giải trí cũng như giáo dục. Được liên kết và thích ứng với Nintendo Switch, Labo có giá khoảng 70$ đến 80$ tùy từng bộ.
Một chiếc Nintendo Labo điển hình!
Mỗi bộ Labo đều có các xâu chuỗi hoạt động riêng, đi kèm với nó là các phần mềm, cảm biến và nhiều ứng dụng khác. Tất nhiên không ai ngăn cản hay khuyên bạn không nên sở hữu một hay nhiều bộ Labo, nó thực sự rất vui và sáng tạo.
Bước 1: Tìm một chiếc hộp
Chiếc hộp chứa của bạn có thể lớn hay nhỏ, đó là do sở thích của mỗi người. Một chiếc hộp bé, gọn, hoàn toàn có thể chứa được bo mạch mini ITX chạy cùng với đồ họa tích hợp. Hoặc tại sao không build máy tính bằng bìa ở kích cỡ bằng với ATX nhỉ? Nếu muốn thêm card đồ họa, nguồn điện, cũng như các thiết bị khác, không gian ở một chiếc hộp lớn hoàn toàn đủ để thỏa mãn nhu cầu của bạn.
Bước 2: Vạch định kế hoạch
Với Labo, các tấm bìa các tông của thiết bị đã được đục sẵn và chỉ cần tách ra và ghép lại theo hướng dẫn là xong. Vậy việc tiếp theo bạn cần làm đối với chiếc hộp của bạn là do bạn thiết kế, và nó hoàn toàn là công sức của bạn, cái giá mà tốt hơn rất nhiều so với 70$ bạn bỏ ra.
Tất nhiên phần cứng của PC lại là vấn đề hoàn toàn khác. Trong ví dụ này, người thực hiện đã đặt bo mạch chủ (ở đây là MSI Z270 Gaming M7) vào trước, sau đó mới bắt đầu suy nghĩ về cách đi dây, tính thẩm mỹ, tạo không gian và thậm chí là chọn loại cáp. Bạn hoàn toàn có thể chọn bo mạch có nút nguồn và nút reset, và cũng chẳng ai phản đối việc bạn tự tạo 2 nút riêng để điểm sáng tạo cho sản phẩm.
Bước 3: Cố định bo mạch chủ
Trong khi mà bạn đang loay hoay với các con ốc, vít, các linh kiện khác mà bo mạch chủ cứ trơn trượt trôi lung tung trong hộp, thậm chí rơi ra ngoài thì thực sự là bạn quá bất cẩn, tất nhiên không thành vấn đề nếu bạn có một chiếc bo mạch khác. Hãy cố định nó, tạo ra một cái lỗ nhỏ để có thể làm giá đỡ cho các thiết bị khác (nếu cần).
Bước 4: Bắt đầu cắt ghép
Hãy đánh dấu các điểm cắt của bạn thật kỹ càng trước khi hành động, chẳng ai muốn chiếc hộp PC của mình nhem nhuốc đâu nhỉ. Anh chàng của chúng ta trong ví dụ này đã cẩn thận đánh dấu toàn bộ vị trí của các linh kiện, sau đó là cắt rồi cuối cùng mới gắn chúng vào, ở đây ta có bảng điều khiển IO, card PCIe, một chiếc card đồ họa rời, tản nhiệt dành cho CPU và cuối cùng là bộ nhớ. Hãy nhớ sử dụng dao cắt hộp nhé, thao tác sẽ dễ dàng hơn rất nhiều so với con dao gọt hoa quả đó.
Bước 5: Thêm nguồn điện
Ở ví dụ này, nguồn điện được đặt trong góc hộp để dễ dàng thao tác, cũng như dành không gian cho nhiệt độ được thông thoáng hơn. Hãy cố gắng thiết kế, cắt gọt cẩn thận thêm những lỗ thông hơi cho nguồn PSU nhé.
Có thể nói đây là bước khó thực hiện nhất, để mà cố định PSU thông qua việc bắt các ốc vít nhỏ, qua các lỗ tương ứng trên tấm bìa, ngoài ra còn phải căn chỉnh các dây cáp sao cho đẹp và gọn nhất có thể. Thế mới biết được tự dàn dựng một chiếc PC giá rẻ quả không đơn giản phải không, cho dù bạn sai chỉ có 1mm thôi thì mọi thứ vẫn có thể “xôi hỏng bỏng không” ngay lập tức.
Bước 6: Bổ sung thiết bị làm mát.
Điều này có thể không cần thiết, tuy nhiên do được làm bằng bìa các tông, nhiệt độ cao trong hoạt động của hệ thống có thể dẫn đến cháy nổ. Hãy dành một chút không gian để có thể gắn một chiếc quạt hút khoảng 120mm. Lưu ý các số đo cho quạt phải được kỹ càng và cẩn thận cũng giúp sản phẩm thêm điểm thẩm mỹ đó.
Bước 7: Hãy khởi động chiếc PC của bạn nào!
Giả sử rằng bạn đã thực hiện được đến bước này, thì tất yếu phải kích hoạt PC của bạn để thử xem nó hoạt động thế nào đi chứ. Nếu bạn sử dụng bo mạch chủ có nút nguồn / khởi động lại thì ai cũng biết thao tác là gì rồi. Còn nếu bạn làm theo phong cách khác, tức xây dựng các nút khởi động riêng, hãy tìm một con ốc vít nhỏ, kiểm tra sổ tay bo mạch chủ để nhận biết và xác định đầu công tắc nguồn trên linh kiện, bắt vít nó lại là xong.
Hãy cẩn thận khi thực hiện bước này, anh chàng trong ví dụ chia sẻ rằng, gần đây anh đã đánh rơi con ốc khi đang vít cái đầu trên bo mạch chủ, do chủ quan và không kiểm tra kỹ, ngay khi cắm nguồn thì khói cùng mùi nhựa chảy bốc lên, và anh nhận ra mình vừa phá hỏng linh kiện trị tiêu tốn hơn nghìn đô-la của mình.
Lời kết:
Đây có lẽ là một phần của sự hấp dẫn mà Labo đem lại, khi mà bạn hoàn toàn có thể tự do, sáng tạo với những chiếc hộp, bìa các tông thừa, mặc dù việc xây dựng một chiếc máy tính còn phức tạp hơn rất nhiều, nó có quá nhiều linh kiện, và còn mất thời gian ở phần vạch định kế hoạch và cắt ghép nữa. Mặc dù nó có thể xấu xí cho lần đầu thực hiện, nhưng hãy tự hào vì đó là sản phẩm mà bạn làm ra, cho nên đừng mất kiên nhẫn nếu bạn đang mong muốn một sản phẩm đẹp và hoàn thiện nhé.
Tham khảo PCGamer.