Liên minh châu Âu đã thông qua luật mới vào năm ngoái yêu cầu các thiết bị sử dụng sạc có dây, bao gồm cả iPhone phải sử dụng cổng USB-C nếu muốn bán tại Châu Âu. Apple có thời hạn đến tháng 12/2024 để tuân thủ nhưng gần đây, có nhiều tin đồn "táo khuyết" sẽ thay đổi chuẩn kết nối ngay từ iPhone 15 ra mắt tháng 9 tới.
Tuy nhiên, Apple có thể đưa một chip xác thực vào cổng USB-C trên iPhone. Con chip sẽ đảm bảo dây cáp phải được chứng nhận MFi riêng để kết nối trao đổi dữ liệu hoặc bật tính năng sạc nhanh.
MFi là 1 tiêu chuẩn độc quyền triển khai cho cổng Lightning, chứng nhận phụ kiện sạc và truyền dữ liệu cho iPhone đạt chuẩn Apple. Ra mắt từ năm 2012, MFi sẽ tích hợp 1 con chip xác thực vào mỗi thành phần, qua đó quản lí những phụ kiện ngoại vi cắm vào iPhone qua cổng Lightning. Đây cũng là cách Apple kiếm lời từ việc bán chuẩn tương thích cho các hãng phụ kiện như với Lightning trước đây.
Thierry Breton, Ủy viên phụ trách thị trường nội địa của Liên minh châu Âu đã gửi thư cảnh báo Apple rằng những hành động như vậy sẽ không được phép. Điện thoại của hãng vẫn sẽ bị cấm bán khi luật bắt đầu có hiệu lực từ năm sau. EU dự kiến sẽ công bố hướng dẫn để đảm bảo "cách giải thích thống nhất" về luật mới vào quý III năm nay.
Phản ứng của EU ngay cả khi Apple chưa chính thức công bố bất kỳ thông tin nào về iPhone mới cho thấy quan điểm cứng rắn của Liên minh Châu Âu. Nhiều chuyên gia cũng lo ngại người dùng sẽ phải đối mặt với các lựa chọn hạn chế về phụ kiện cũng như giá thành cao hơn. Đây cũng có thể là rào cản cho các nhà sản xuất phụ kiện nhỏ đang cố gắng thâm nhập thị trường.
Cuối tháng 10/2022, Apple đã xác nhận iPhone sẽ dùng cổng USB-C trong tương lai. "Rõ ràng là chúng tôi sẽ phải tuân thủ, chúng tôi không có lựa chọn nào khác", Greg Joswiak, Giám đốc tiếp thị của Apple trả lờiWall Street Journal về quy định bắt buộc dùng chung một chuẩn kết nối trên smartphone của EU.
Việc giới thiệu bộ sạc chung là một trong những nỗ lực của châu Âu nhằm giảm rác thải điện tử và giúp người dùng thuận tiện hơn trong cuộc sống. Các nhà lập pháp hy vọng, điện thoại và các thiết bị điện tử khác sẽ không cần bán kèm sạc vì người mua đã có sẵn phụ kiện chung ở nhà. EU ước tính quy định mới có thể tiết kiệm cho người tiêu dùng 250 triệu euro và giảm khoảng 11.000 tấn rác thải điện tử hàng năm.