Có thể nói rằng 2019 là năm của iPhone XR. Tính trong toàn bộ 3 quý đầu năm, iPhone XR đã luôn chiếm vị trí số 1 một cách tuyệt đối trong bảng xếp hạng các mẫu smartphone bán chạy nhất thế giới. Trước đó, trong quý 4/2018, cũng là mùa mua sắm đỉnh điểm của thị trường toàn cầu, iPhone XR cũng đánh gục các đối thủ Android để chiếm lấy vị trí cao quý này.
Sản phẩm kế nhiệm của XR là iPhone 11 cũng đã kịp đạt được những thành công vang dội. Dù chỉ được bán ra trong vòng 2 tuần cuối cùng của quý 3, iPhone 11 vẫn kịp lọt vào top 10 ở vị trí thứ 5 với 1,6% thị phần smartphone đến tay người dùng.
Top 10 smartphone bán chạy nhất thế giới trong quý 3.
Gần như toàn bộ những chiếc smartphone Android khác đều thuộc về phân khúc tầm trung hoặc giá rẻ. 2 mẫu smartphone đứng ở vị trí số 2 và 3 cùng thuộc về Samsung, trong đó Galaxy A10 có giá bằng khoảng 1/5 iPhone XR và Galaxy A50 có giá chỉ bằng 1/3 iPhone 11. Top 5 còn 1 tên tuổi khác là OPPO A9, nhưng mẫu này cũng chỉ có giá ngang với Galaxy A50 mà thôi.
Thực tế, bảng xếp hạng smartphone cao cấp quý 3/2019 cho thấy cùng một xu thế giống như các quý trước: dù thống trị thị phần nhưng các thương hiệu Android vẫn không phải là đối thủ của iPhone trong phân khúc cao cấp (từ 400 USD trở lên). Bảng xếp hạng mới nhất chứng kiến P30 lần đầu lọt top, song sự kiện này có thể lý giải khá dễ dàng qua sự bùng nổ của Huawei trong quý vừa qua – nhờ vào "tác dụng ngược" của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung . Cũng cần chú ý rằng P30 không phải là dòng đầu bảng mới nhất của Huawei và đến quý 3 đã được giảm giá khá mạnh, chỉ còn 2688 Nhân Dân Tệ tại thị trường nội địa.
Thành công của iPhone XR và iPhone 11 đã giúp các nhà sản xuất xác định được khung giá cao cấp "đẹp" nhất hiện nay.
Một thay đổi khác càng thể hiện rõ vai trò của khung giá cao cấp "thường" đang được Apple áp dụng cho iPhone 11 và iPhone XR: sau nhiều quý lọt top 10, đến quý này iPhone XS Max đã biến mất. Nói cách khác, top 10 smartphone bán chạy nhất thế giới không còn bất kỳ một sản phẩm nào thuộc phân giá "siêu cấp" nghìn đô nữa cả. Tính từ phân khúc cao cấp "thường" trở lên, iPhone XR và iPhone 11 là hai đại diện duy nhất còn lại.
Nói cách khác, phép màu được iPhone X tạo dựng nay đã tàn phai. Khung giá 600 – 800 USD mà iPhone XR và iPhone 11 đang rất thành công chẳng hề xa lạ với Apple, trái lại, đó chính là mức giá áp dụng cho cả thập kỷ đầu tiên trong lịch sử iPhone. Phải đến 2017, Apple mới có thể tạo bước ngoặt về giá cùng iPhone X, mẫu smartphone liên tục nắm giữ vị trí bán chạy nhất thế giới trong suốt cả vòng đời. Năm ngoái, iPhone XS Max cũng là đại diện duy nhất của khúc giá nghìn đô, bất chấp sự trỗi dậy của những đối thủ mạnh mẽ như Galaxy Note9 hay Huawei Mate 30 Pro.
Đến nay, như chúng tôi đã đề cập ở trên, smartphone "cao cấp" còn lại trong top bán chạy chỉ còn lại duy nhất iPhone XR (600 USD) và iPhone 11 (700 USD) mà thôi. Và, thành công này của Apple buộc 2 ông lớn phải thực sự cân nhắc lại chiến lược giá của mình: không phải cận cao cấp (400 – 600 USD), cũng chẳng phải siêu cấp (1000 USD) nữa, phân khúc cao cấp "thường" mới là nơi Samsung, OPPO, Huawei cần tập trung.
Không phải Note 10 bản chính, Note 10 bản "giá mềm" mới là sản phẩm quan trọng nhất của Samsung.
Chính điều này lý giải một loạt những bước đi lạ lùng của các ông lớn Android. Đầu năm, Samsung mở rộng gia đình Galaxy S10 với mẫu Galaxy S10e có giá 750 USD, tức là nhắm thẳng vào mức giá của iPhone XR khi đó. Những ngày gần đây, tin đồn rộ lên rằng Samsung sẽ có thêm Galaxy Note 10 Lite với cấu hình và màn hình rút gọn so với Note 10 "thường". Cả S10e và Note 10 Lite đều là những bước đi chưa từng có tiền lệ trong lịch sử của gã khổng lồ Hàn Quốc.
OPPO còn thực hiện bước đi quái chiêu hơn: chỉ trong vỏn vẹn 3 tháng, thương hiệu hàng đầu từ BBK Electronics đã vén màn tới 3 thế hệ Reno! Đầu tháng 12 vừa qua, phiên bản Reno3 Pro vén màn ở mức 4500 NDT, đối đầu trực tiếp cùng iPhone XR. Trước đó, thương hiệu anh em của OPPO là OnePlus cũng vén màn OnePlus 7T ở khung giá 600 USD.
Tương tự, Xiaomi đã liên tục nỗ lực tiến đánh phân khúc 600 – 800 USD qua các bản Mi 8 và Mi 9 đặc biệt (Mi 8 Explorer Edition, Mi 9 Transparent Edition hay Mi 9 Pro). Các mẫu này nằm trong số smartphone Mi hiếm hoi không phá giá cấu hình. Một mặt, chúng thể hiện nỗ lực của Xiaomi nhằm thay đổi hình ảnh gắn liền với 2 chữ "giá rẻ", mặt khác, Mi 8 EE và Mi 9 Pro cũng giúp Xiaomi chen chân vào phân khúc giá "đẹp" nhất mà Apple đang thống trị.
Đầu bảng "thường", khung giá quan trọng nhất của thị trường smartphone năm 2019.
Nói tóm lại, cú sốc iPhone X đã thực sự chấm dứt. Khung giá nghìn đô không còn hấp dẫn với người tiêu dùng nữa. Nhưng iPhone vẫn đang thu về tới 2/3 tổng lợi nhuận của ngành công nghiệp smartphone, trong đó dĩ nhiên iPhone XR và iPhone 11 đóng góp phần lớn nhất. Chính thành công ấy đã mách bảo cho các hãng Android phải làm gì để giành lấy lợi nhuận: Samsung từ trên đánh xuống, các hãng Trung Quốc từ dưới đánh lên, ai ai cũng muốn một phần miếng bánh cao cấp "thường" của nhà Táo.