1. 75 công trình được vinh danh trong Sách vàng Sáng tạo 2020
Ngày 24/8, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với Bộ KH&CN tổ chức Lễ công bố “Sách vàng Sáng tạo Việt Nam” năm 2020.
75 công trình sáng tạo năm nay của tác giả, nhóm tác giả được tuyển chọn tập trung vào các lĩnh vực gần gũi với đời sống nhân dân, có tính thời sự, giá trị thực tiễn cao như bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm, phục vụ việc khám chữa bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Cùng với đó là các giải pháp khoa học phục vụ cải cách hành chính, phát triển kinh tế - xã hội; cảnh báo thiên tai, phòng chống lũ lụt; trợ giúp cho việc phát triển giáo dục; các công nghệ tiên tiến giúp nâng cao chất lượng cuộc sống, nâng cao sức mạnh của quân và dân Trường Sa để bảo vệ vững chắc biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc...
2. Trưng bày 14 công trình khoa học đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh
Ngày 29/8, tại Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam (Cao Phong, Hòa Bình), Trung tâm và Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam tổ chức khai trương phòng trưng bày về Giải thưởng Hồ Chí Minh với chủ đề “Khoa học: Sáng tạo & Cống hiến”.
Phòng trưng bày được chia thành nhiều lĩnh vực khác nhau của các nhà khoa học nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh.
Trưng bày giới thiệu 14 công trình gồm các tài liệu, hiện vật quý đã từng gắn bó với quá trình nghiên cứu của các nhà khoa học tên tuổi. Đây là cơ hội để tìm hiểu sự sáng tạo và những đóng góp, cống hiến của các nhà khoa học Việt Nam, đồng thời lý giải vì sao họ lại có thể thành công được trong mọi hoàn cảnh như vậy.
3. Phần mềm Việt dùng trí tuệ nhân tạo tiên lượng Covid-19
Tập đoàn Vingroup đã trao tặng Bộ Y tế Phần mềm DrAid™ cùng các thiết bị đi kèm để hỗ trợ đánh giá tiên lượng trong điều trị Covid-19. DrAid™ giúp phát hiện nhanh các dấu hiệu bất thường dựa trên ảnh X-quang ngực thẳng trong vòng chưa đầy 5 giây, kết hợp cùng xét nghiệm PCR từ đó nâng cao độ chính xác, giảm thiểu tình trạng âm tính giả, hỗ trợ tăng tính nhất quán và chuyển giao kiến thức của bác sĩ từ tuyến Trung ương tới cơ sở.
GS.TS Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế tiếp nhận phần mềm DrAid™ hỗ trợ đánh giá tiên lượng Covid-19 do Tập đoàn Vingroup trao tặng.
DrAid™ là phần mềm trí tuệ nhân tạo đầu tiên tại Việt Nam do công ty VinBrain (Tập đoàn Vingroup) phát triển từ năm 2019 nhằm hỗ trợ chẩn đoán các bệnh về phổi, tim và xương dựa trên X-quang. Hiện DrAid™ đang được triển khai tại 12 bệnh viện, 1 phòng khám và 1 hệ thống xe chụp X-quang lưu động tại Hà Nội và một số tỉnh lân cận.
4. Thiết bị quang hợp nhân tạo không cần điện
Các chuyên gia của đại học Cambridge đã cải tiến phát minh “lá nhân tạo” năm 2019 của họ bằng cách kết hợp thêm chất bán dẫn và áp dụng công nghệ photoheet. Từ đó, tấm xúc tác quang ra đời.T ấm này có thể tiếp nhận ánh sáng mặt trời, carbon dioxide và nước để tạo thành oxy và axit formic - một loại nhiên liệu lưu trữ mà không cần nguồn điện nào.
Tấm xúc tác quang không dây được tạo thành từ bột bán dẫn tạo ra nhiên liệu sạch bằng cách bắt chước khả năng quang hợp của thực vật. Ảnh: Đại học Cambridge (Anh)
Các tấm lá nhân tạo này được tạo thành từ bột bán dẫn nên có thể được chế tạo với số lượng lớn một cách dễ dàng và tiết kiệm chi phí, cho thấy tiềm năng sản xuất ở quy mô lớn. Các chuyên gia khẳng định thiết bị mới trong tương lai có thể được phát triển thêm và sử dụng trong các trang trại năng lượng mặt trời sản xuất nhiên liệu sạch.
5. Loại vi khuẩn chịu được bức xạ gấp 3.000 so với người
Sau một thời gian nghiên cứu, các nhà khoa học Nhật đã phát hiện ra một loại vi khuẩn tên Deinococcus có khả năng tồn tại trong môi trường axit, trong điều kiện lạnh giá và thiếu nước. Chúng có thể chịu được lượng bức xạ cao gấp 3.000 lần mức gây chết người.
Thí nghiệm về khả năng sinh tồn của vi khuẩn Deinococcus diễn ra bên ngoài trạm ISS. Ảnh: CNN.
Các chuyên gia phát hiện chúng lần đầu tiên trong một hộp thịt đã trải qua quá trình tiệt trùng bằng bức xạ. Deinococcus có thể tập trung thành khối với kích thước hơn 1 mm. Nghiên cứu này nằm trong 1 nhiệm vụ để chứng minh giải thuyết Panspermia rằng vi sinh vật có thể di chuyển từ hành tinh này đến hành tinh khác và phát tán sự sống.
6. Trí tuệ nhân tạo phát hiện 50 ngoại hành tinh mới
Việc khai thác công nghệ học máy giúp các nhà thiên văn học xác định hàng chục hành tinh bên ngoài hệ Mặt Trời từ kho dữ liệu vệ tinh của NASA. Cụ thể, họ tạo ra một thuật toán có khả năng xác nhận các hành tinh thật và lọc tín hiệu giả từ kho dữ liệu của hệ thống kính thiên văn săn ngoại hành tinh.
Ảnh: NASA Kepler.
Thí nghiệm gần nhất tiến hành với kính thiên văn Kepler đạ nhanh chóng xác định được 50 hành tinh mới ngay lần đầu tiên. Kỹ thuật này hứa hẹn sẽ giúp các nhà khoa học sàng lọc kho dữ liệu khổng lồ từ những dự án săn hành tinh khác, từ đó, giúp con người hiểu sâu hơn về vũ trụ bao la.
7. Ổ cứng làm từ lụa tơ tằm
Các nhà khoa học Viện Hệ thống Vi mô, Học viện Khoa học Trung Quốc kết hợp với Đại học Stony Brook và Đại học Texas (Mỹ) chế tạo và phát triển một loại ổ cứng bằng tơ tằm sinh học tự nhiên đầu tiên trên thế giới. Nghiên cứu là sự kết hợp giữa công nghệ bán dẫn và công nghệ lưu trữ chất lượng cao.
Protein fibroin trong tơ tằm được chế tạo thành ổ cứng lưu trữ. Ảnh: CCTV.
Ổ cứng được phát triển bằng protein tơ tằm có dung lượng lưu trữ tới 64 GB/inch vuông, lưu trữ đồng thời các thông số kỹ thuật hệ nhị phân. Những đặc điểm này giúp ổ cứng có thể hoạt động trong thời gian dài dưới môi trường khắc nghiệt như độ ẩm cao tới 90%. Ổ cứng này sau khi hoàn thành chế tạo, có thể được ứng dụng trong việc lưu trữ DNA, lưu trữ oligopeptide trong môi trường ngoài vũ trụ.
8. Bệnh nhân đầu tiên khỏi HIV không cần điều trị
Các nhà nghiên cứu tại Mỹ cho hay vừa ghi nhận trường hợp nhiễm HIV đầu tiên trên thế giới khỏi bệnh mà không cần dùng thuốc hay cấy ghép tủy xương. Theo New York Times, bệnh nhân là Loreen Willenberg, 66 tuổi, ở California, Mỹ. Người phụ nữ này nhiễm virus HIV vào năm 1992.
Hình ảnh quét màu của tế bào T dưới kính hiển vi. Nó mang màu xanh lam, xanh lục, tế bào bị nhiễm HIV là màu vàng. HIV tự xâm nhập và đánh lừa bộ máy tế bào, tạo ra các bản sao. Ảnh: NAID.
Các nhà khoa học nhận định kết quả này chỉ có thể xuất hiện nhờ những tiến bộ trong di truyền học. Đây là khám phá quan trọng và thúc đẩy các nhà khoa học khám phá thêm cơ chế tự chữa khỏi để sử dụng nó cho 37 triệu người nhiễm HIV trên thế giới.
9. Pin 28.000 năm không cần sạc từ chất thải hạt nhân
Công ty sản xuất pin Nano Diamond Battery (NDB) có trụ sở tại Mỹ đã phát triển loại pin có thể hoạt động trong 28.000 năm chỉ với một lần sạc, gọi là pin nano kim cương. Viên pin này hoạt động giống như máy phát điện, sử dụng chất phóng xạ còn sót lại từ lò phản ứng hạt nhân để tạo ra năng lượng.
Sử dụng chất thải hạt nhân, các nhà nghiên cứu có thể tạo ra viên pin hoạt động trong 28.000 năm mà không cần sạc. Ảnh: Futurism.
Do pin nằm trong một lớp kim cương không phát xạ. Bức xạ sẽ được hấp thụ nên người dùng có thể yên tâm về độ an toàn. Công nghệ pin sử dụng chất thải hạt nhân được cho sẽ mang lại hữu ích trong ngành công nghiệp xe điện, hoặc những thiết bị cần hoạt động liên tục như máy tạo nhịp tim.
10. Lần đầu phát hiện cá mập không da và răng
Các nhà nghiên cứu ở Đại học Cagliari, Italy, phát hiện một con cá mập mèo không có da trong lúc thả lưới ở đảo Sardinia. Trong phân tích giải phẫu công bố trên tạp chí Fish Biology, nhóm nghiên cứu cho biết con cá mập không sở hữu bất kỳ kết cấu nào liên quan tới da của phân lớp cá mang tấm. Tuy mất những bộ phận quan trọng, loại cá mập mèo miệng đen (Galeus melastomus) có thể ăn toàn bộ con mồi mà không cần răng.
Mặt trên và dưới thân của cá mập không da. Ảnh: IFL Science.
Do không có răng bì, cơ thể nó thiếu những vệt sậm màu thường gặp ở cá mập mèo miệng đen. Nhóm nghiên cứu suy đoán tình trạng của con cá mập có thể xuất phát từ nguyên nhân tự nhiên hoặc liên quan tới con người. Họ cho rằng việc tiếp xúc trong thời gian dài với các khu vực ô nhiễm hóa chất và quá trình ấm lên hoặc axit hóa của đại dương do biến đổi khí hậu có thể là lý do.