Ngày 29/7, CEO của nhóm Big Tech, còn được biết đến là "bộ tứ" công ty công nghệ lớn nhất thế giới bao gồm Mark Zuckerberg (Facebook), Sundar Pichai (Google), Jeff Bezos (Amazon) và Tim Cook (Apple) sẽ bị điều trần trước Quốc hội Mỹ theo cáo buộc vi phạm luật chống độc quyền. Đây là sự kiện kịch tính của ngành công nghệ và có thể dẫn đến sự rung chuyển lớn của nhóm Big Tech.
Chống độc quyền là gì?
Luật chống độc quyền là cách mà Mỹ điều chỉnh sự tập trung của sức mạnh kinh tế, quy định việc thực hiện và tổ chức của các tập đoàn kinh doanh để thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh vì lợi ích của người dùng.
Vào thế kỷ 19, nhiều ngành công nghiệp giữa các tiểu bang đã bị chi phối mạnh mẽ bởi độc quyền (hay còn gọi là cạnh tranh không lành mạnh). Các công ty này kiểm soát rất nhiều thị phần như thép và dầu đến nỗi các đối thủ cạnh tranh không thể thách thức họ và họ mặc nhiên tự ra giá các sản phẩm rồi thao túng thị trường. Điều đó không tốt cho các doanh nghiệp nhỏ và người dùng.
Theo các điều khoản của luật chống độc quyền ở Hoa Kỳ là Đạo luật Sherman năm 1890 và Đạo luật Clayton năm 1914, trong đó cấm các hành vi như sửa đổi giá hoặc sáp nhập đối thủ cạnh tranh nhằm loại bỏ khỏi thị trường.
Đầu thế kỷ 20, chính phủ đã tích cực thực thi các quy định chống độc quyền, nhưng từ những năm 1970 trở đi, các nhà kinh tế, nhà lập pháp và tòa án đã không còn hào hứng với việc thực thi đó nữa.
Điều gì đằng sau phiên xử này?
Các công ty công nghệ đã ngày càng phát triển theo quy mô lớn và hùng mạnh hơn trong thập kỷ qua, và dạo gần đây, các nhà lập pháp chỉ mới nhận thức tỉnh được điều này. Ủy ban Tư pháp Hạ viện đã mở cuộc điều tra về hành vi chống cạnh tranh trong không gian công nghệ và phiên điều trần ngày 29/7 sẽ là cơ hội để các nhà lập pháp đặt câu hỏi chất vấn các CEO tập đoàn công nghệ.
Đây cũng là lần đầu tiên cả 4 vị giám đốc điều hành này sẽ đứng trước Quốc hội Mỹ cùng một lúc. Mặc dù chỉ là phiên điều trần, nhưng có thể làm thay đổi tương lai của các biện pháp chống độc quyền trong lĩnh vực công nghệ thông tin nước Mỹ.
Tim Cook, Apple
Vấn đề lớn với Apple là cửa hàng ứng dụng App Store. Đối với các nhà phát triển ứng dụng muốn tiếp cận người dùng iOS, App Store là "cánh cửa" và Apple tính phí vào cửa là 30% doanh thu. Trên hết, Apple phát hành các ứng dụng riêng cạnh tranh với người bán độc lập trên thị trường của mình.
Chẳng hạn, Spotify đã bị tính mức phí 30% từ Apple và buộc Spotify phải tăng giá ứng dụng của mình hơn Apple Music. Apple được bán được sản phẩm từ Apple Music nhưng đồng thời cũng được tính phí từ đối thủ cạnh tranh trực tiếp là Spotify.
Jeff Bezos, Amazon
Amazon là một trong những nền tảng trực tuyến lớn dành cho thương nhân và họ cũng bán các sản phẩm của mình trên nền tảng đó. Một cuộc điều tra của The Wall Street cho thấy các nhân viên của Amazon đã sử dụng dữ liệu về những người bán hàng trên nền tảng của công ty, sau đó phát triển các sản phẩm cạnh tranh, bất chấp chính sách của công ty chống lại điều đó.
Lập luận chống độc quyền đối với Amazon là họ sử dụng nền tảng của mình để tìm ra sản phẩm nào đang hoạt động cho người bán độc lập. Sau đó sử dụng dữ liệu trên để phát triển các sản phẩm tương tự và loại bỏ các đối thủ cạnh tranh nhỏ hơn.
Mark Zuckerberg, Facebook
Lập luận chống độc quyền lớn đối với Facebook là thói quen mua lại các đối thủ cạnh tranh. Theo tờ New York Times, Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) đang thực hiện cuộc điều tra về việc Facebook đã mua hơn 80 công ty trong 15 năm, bao gồm Instagram, WhatsApp và Giphy.
Khi ngấu nghiến các nền tảng mạng xã hội nhỏ hơn, Facebook đã bảo đảm ưu thế ngay cả những người dùng đó không muốn sử dụng Facebook. Theo tay bút Dina Srinivasan viết cho Tạp chí Luật kinh doanh Berkeley, người dùng đang đối mặt với quá ít sự lựa chọn. Một là sử dụng Facebook và tuân thủ quy định của Facebook hoặc từ bỏ việc sử dụng mạng xã hội này. Tuy nhiên, Facebook lại được sử dụng bởi hầu hết bạn bè, gia đình và người quen của họ.
Facebook cũng là một sự hiện diện thống trị trong quảng cáo. Facebook và Google cùng nhau kiểm soát khoảng 60% thị trường quảng cáo trực tuyến, theo Adweek. Sự độc quyền đó có "bóp chết" sức cạnh tranh.
Sundar Pichai, Google
Giống như Apple, Google có cửa hàng ứng dụng riêng, nơi có bên người chơi và bên tạo ra các ứng dụng. Theo báo cáo của The Information, nhân viên của Google giám sát dữ liệu về việc sử dụng các ứng dụng của bên thứ 3 trên thiết bị Google, sau đó sử dụng dữ liệu đó để tạo ra đối thủ cạnh tranh nhưng thuộc sở hữu của Google.
Google cũng là một chuyên gia quảng cáo, cùng với Facebook, thâu tóm hầu hết các miếng bánh trong ngành quảng cáo. Tổng chưởng lý trên khắp nước Mỹ đã đưa ra các thăm dò về hoạt động kinh doanh quảng cáo của Google, với Tổng chưởng lý bang Texas, ông Ken Paxton nói rằng Google thống trị phía phía người mua, bên bán, bên bán đấu giá và thị phần video với YouTube.