Tại sao chúng ta có thể trò chuyện trong khi những họ hàng gần nhất của chúng ta, như người Neanderthal (đã bị tuyệt chủng), lại không? Một nghiên cứu mới đây có thể đã tìm ra một mảnh ghép quan trọng trong câu đố này: Một đột biến di truyền nhỏ tồn tại ở con người hiện đại nhưng không có ở người Neanderthal.
Được thực hiện bởi các nhà khoa học tại Đại học Rockefeller (New York, Mỹ), nghiên cứu tập trung vào một loại protein não có tên là NOVA1, đóng vai trò quan trọng trong cách các tế bào thần kinh xử lý thông tin. Họ phát hiện rằng một đột biến gen duy nhất ở NOVA1 có thể đã ảnh hưởng đến sự phát triển của ngôn ngữ nói, tạo ra sự khác biệt giữa con người thời kỳ đầu và các loài khác.
Cụ thể, NOVA1 hoạt động như một chất dẫn truyền trong não, kiểm soát cách các gen khác được biểu hiện trong các tế bào thần kinh. Phiên bản gen này ở con người khác với gen được tìm thấy ở người Neanderthal, người Denisova và các loài động vật khác chỉ với một thay đổi nhỏ về axit amin. Nhưng sự khác biệt này dường như là chìa khóa mở ra khả năng nói của con người.
Mọi thứ bắt nguồn từ đột biến gen trong protein não có tên NOVA1.
Để kiểm tra tác động của đột biến này, các nhà khoa học đã biến đổi gen chuột để mang phiên bản NOVA1 của con người. Kết quả cho thấy, mặc dù những con chuột phát triển bình thường nhưng âm thanh mà chúng phát ra đã thay đổi. Những con chuột con có gen của con người phát ra tiếng kêu khác nhau khi bị tách khỏi mẹ, trong khi những con chuột đực trưởng thành đã thay đổi tiếng gọi giao phối siêu âm của chúng, tạo ra các mẫu âm thanh độc đáo.
Những phát hiện này chỉ ra rằng NOVA1 đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành và xử lý hành vi giọng nói trong não, cung cấp một lời giải thích di truyền tiềm năng cho lý do tại sao chỉ có con người mới phát triển ngôn ngữ phức tạp. Mặc dù đây không phải là câu giải thích đầy đủ về sự độc đáo của lời nói con người nhưng nó tạo nền tảng cho những nghiên cứu tiếp theo.
Kết luận này được đưa ra sau khi các nhà khoa học cấy ghép gen đột biến này vào chuột.
Khi tiếp tục phân tích DNA của người Neanderthal và người Denisova, các nhà nghiên cứu phát hiện rằng những người cổ đại này có cùng phiên bản NOVA1 như các loài động vật khác, cho thấy họ không sở hữu đột biến được tìm thấy ở con người hiện đại. Điều này gợi ý rằng, ở đâu đó tại Châu Phi, con người hiện đại đầu tiên đã phát triển đột biến này, sau đó lan rộng nhanh chóng trong các quần thể, tạo điều kiện cho sự hình thành ngôn ngữ. Sự phổ biến của đột biến này cho thấy nó đã mang lại đủ lợi thế tiến hóa để trở thành yếu tố chính trong bộ gen của con người.