Kiếm tiền từ GameFi, dễ hay khó?

Nghỉ việc để kiếm tiền từ GameFi, bức tranh màu hồng, nhưng được vẽ nên từ rất nhiều nước mắt.

Anh Jarindr Thitadilaka (hãy cứ gọi anh ấy là Ja), 28 tuổi, hiện đang sinh sống và làm việc tại Bangkok. Vào khoảng tháng 6/2021, Ja có thu nhập hơn 2.000 USD mỗi tháng nhờ chơi game! Giờ đây, Ja đã trở thành chủ nhân của một công ty với hàng ngàn nhân viên và vẫn đang tiếp tục kiếm tiền từ GameFi. Nhưng câu chuyện có còn lý tưởng như nửa năm về trước?

Kiếm tiền từ GameFi, dễ hay khó? - Ảnh 1.

Kể cả bạn không phải là một game thủ xuất sắc nhưng thu nhập hàng nghìn USD một tháng vẫn là điều quá bình thường

Từ game thủ thành ông chủ

Khoảng tầm giữa năm 2021, cơn sốt toàn cầu mang tên Axie Infinity đã xuất hiện và lan tràn khắp các ngóc ngách của thế giới. Những sinh vật tròn nhỏ đủ màu sắc bên trong tựa game này không chỉ đáng yêu mà còn có khả năng mang lại cho chủ nhân của chúng những khoản thu nhập khổng lồ. Jarindr Thitadilaka là một trong những người đón đầu làn sóng này. "Vào khoảng giữa năm 2021, tôi đã kiếm được vài nghìn USD một tháng với Axie", Ja bộc bạch. Nhưng cho rằng việc "đơn thương độc mã" chinh chiến trong thế giới ảo là không thể tận dụng hết tiềm năng của hình thức kiếm tiền mới nổi này, Ja đã rủ bạn bè mình cùng tham gia và thành lập nên một "bang hội" để chơi game cùng nhau, đây là khởi nguyên của những game guild về sau này.

Ý tưởng rất đơn giản, Ja sẽ bỏ tiền túi ra để mua hàng loạt các NFT Axie và chia thành nhiều tài khoản. Sau cùng, anh này chia những tài khoản có giá trị khoảng 1.000 USD này đến các game thủ để họ "cày thuê" cho mình. Điểm mạnh của hình thức này là chủ sở hữu thì có thể kiếm lời các tài khoản "cho thuê" còn các game thủ thì không phải bỏ ra bất kỳ đồng vốn nào mà vẫn có được thu nhập.

Kiếm tiền từ GameFi, dễ hay khó? - Ảnh 2.

Jarindr Thitadilaka, 28 tuổi, hiện là ông chủ của một game guild với hơn 3.000 thành viên

Nhờ sự thức thời của mình, Ja hiện tại đã là ông chủ của một game guild với hơn 3.000 thành viên và lợi nhuận thu về từ các "thành viên" trong cộng đồng được chia theo tỷ lệ 50:50. Mới đây, công ty GuildFi của anh vừa gọi vốn thành công 146 triệu USD từ các nhà đầu tư. Nhưng Ja không phải là người duy nhất thành công trong lĩnh vực này.

Hãy đi xa hơn một chút và gặp Teriz Pia, sống tại thủ đô Manila, Philippines, người vừa bỏ công việc chính là một giáo viên mầm non cách đây gần 1 năm để cùng anh trai điều hành một game guild với hơn 300 thành viên. Pia cho biết, hàng tháng, Real Deal Guild mang về cho cô một khoản thu nhập lên đến 20.000 USD.

Kiếm tiền từ GameFi, dễ hay khó? - Ảnh 3.

Teriz Pia, từng là một giáo viên mầm non đã nghỉ việc để điều hành một game guild tại Philippines

Đối với tựa game Axie Infinity, tỷ lệ ăn chia giữa Pia và những thành viên trong cộng đồng là 30:70. Đối với các game play-to-earn khác, ví dụ như tựa game đua ngựa Pegaxy, tỷ lệ sẽ là 40:60. "Bạn sẽ không bao giờ kiếm được một số tiền lớn thế này nếu là một giáo viên mầm non tại Philippines dù cho có sở hữu một bằng đại học danh giá đi nữa", Pia chia sẻ.

Tuy thu về một khoản tiền khổng lồ từ GameFi nhưng cả Ja và Pia đều đồng ý rằng đây là một hình thức kinh doanh với độ rủi ro cực cao.

Nguy hiểm bủa vây

"Đây là một công việc vô cùng rủi ro. Suy cho cùng, đây chỉ là một trò chơi mang nặng yếu tố tài chính và giá trị của những token bạn sở hữu có thể bốc hơi bất kỳ lúc nào", Pia bộc bạch.

Thật vậy, Axie Infinity là cái tên dẫn đầu và cũng là dự án có tiềm lực nhất trong thế giới GameFi nhưng không phải là nó không có những vấn đề.

Kiếm tiền từ GameFi, dễ hay khó? - Ảnh 4.

Axie Infinity luôn là ngọn cờ đầu, là tựa game NFT nổi bật nhất

Trong nhiều tháng trở lại đây, giá token AXS và SLP của Axie Infinity liên tục có những biến động mạnh, đáng lo ngại nhất chính là bản thân nền kinh tế trong game. Cụ thể, chúng ta có 2 nguồn tài nguyên vô hạn là các NFT Axie và token trả thưởng SLP. Theo quy luật cung cầu, những tài sản có số lượng càng nhiều thì chúng sẽ càng nhanh mất giá. Biện pháp được các nhà phát triển tại Sky Mavis đề ra chính là "đốt" tài nguyên (NFT và SLP) cho các hoạt động trong game. Nhưng câu hỏi đặt ra ở đây là liệu yếu tố "play" trong game có đủ hấp dẫn hơn là "earn" hay không?

Câu trả lời có lẽ đã ngã ngũ khi mà kể từ khi đạt đỉnh với giá khoảng 0,4 USD vào tháng 5/2021, giá của đồng SLP hiện đang giao dịch ở mức 0,02 USD, thậm chí có lúc giảm dưới 0,01 USD.

Kiếm tiền từ GameFi, dễ hay khó? - Ảnh 6.

Small Love Potion hay gọi tắt là SLP là token sinh ra trong quá trình chơi Axie Infinity và tổng cung của nó là vô hạn

Trên thực tế thì Sky Mavis cũng đã có rất nhiều nỗ lực trong việc cân bằng lại nền kinh tế trong game, tuy nhiên với những vận động phức tạp trong nội tại của Axie Infinity, tất cả những cố gắng nói trên sẽ chỉ là những biện pháp tình thế.

Đó là nguyên do xuất phát từ chính trò chơi, vậy còn những tác động ngoại lai thì sao? Axie Infinity, đáng buồn thay lại tiếp tục là một ví dụ nữa. Vào ngày 29/3, mạng Ronin, side-chain phục vụ cho các giao dịch trên Axie Infinity đã bị tấn công với tổng thiệt hại lên đến hơn 600 triệu USD. Với mức thiệt hại vô tiền khoáng hậu đó, đây trở thành vụ tấn công có thiệt hại nghiêm trọng nhất lịch sử ngành tiền mã hoá.

Kiếm tiền từ GameFi, dễ hay khó? - Ảnh 7.

Vụ tấn công vào Ronin Network là vụ việc có thiệt hại nặng nề nhất lĩnh vực tiền số tính đến thời điểm hiện tại

Trong cuộc tấn công lần này, những người gặp thiệt hại nặng nề nhất, chính là những game thủ hay nói rộng ra hơn là những người có nguồn thu nhập phụ thuộc hoàn toàn vào Axie Infinity. Tuy Sky Mavis đã cam kết sẽ hoàn trả toàn bộ những thiệt hại cho người chơi nhưng sự kiện vừa qua cũng đã cho thấy chúng ta dễ bị tổn thương thế nào khi tham gia vào những trò chơi play-to-earn.

Nói đi thì cũng phải nói lại, GameFi hiện vẫn đang là một lĩnh vực được nhiều ông lớn đầu tư mạnh tay, nhưng nên nhớ, play-to-earn là một thái cực hoàn toàn khác so với đầu tư truyền thống, chúng ta có thể kiếm được rất nhiều tiền từ hình thức này nếu đủ tỉnh táo, nhưng đây cũng là mảnh đất đã chôn vùi giấc mơ của những tâm hồn tham lam muốn làm giàu nhanh chóng. Vậy theo bạn, kiếm tiền từ GameFi dễ hay khó? Cho chúng mình biết ngay bên dưới nha.

Tiền mã hóa (cryptocurrency), hay thường được gọi là "tiền ảo" chưa được pháp luật công nhận tại Việt Nam.

GameFi (viết tắt của Game + Finance) là thuật ngữ chỉ các trò chơi được xây dựng trên blockchain kết hợp yếu tố tài chính. Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và không có giá trị khuyến nghị đầu tư

https://KenhTinGame.Com/kiem-tien-tu-gamefi-de-hay-kho-20220412235656049.chn